Nhật Bản triệu Đại sứ Hàn Quốc liên quan bất đồng lao động thời chiến

Đến nửa đêm 18/7, Hàn Quốc đưa ra lời từ chối tham gia hội đồng trọng tài giải quyết vấn đề lao động thời chiến với sự tham gia của một nước thứ ba theo đề xuất của Tokyo.
Nhật Bản triệu Đại sứ Hàn Quốc liên quan bất đồng lao động thời chiến ảnh 1Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono. (Nguồn: The Japan Times)

Ngày 19/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã triệu Đại sứ Hàn Quốc tại nước này Nam Gwan Pyo tới để phản đối việc Seoul từ chối đề nghị của Tokyo tham gia hội đồng trọng tài nhằm giải quyết bất đồng giữa hai nước về lao động thời chiến.

Đến nửa đêm 18/7, Hàn Quốc mới đưa ra lời từ chối tham gia hội đồng trọng tài giải quyết vấn đề lao động thời chiến với sự tham gia của một nước thứ ba theo đề xuất của Tokyo.

[Phong trào tẩy chay hàng Nhật Bản: Người Hàn Quốc đã thực sự giận dữ?]

Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua sau một loạt phán quyết của tòa án Hàn Quốc vào cuối năm 2018 yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.

Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã lập luận rằng trong thỏa thuận bình thường hoá quan hệ giữa hai nước được ký vào năm 1965, Nhật Bản đã chi trả cho Hàn Quốc khoản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD và các vấn đề đã được giải quyết xong.

Tháng Một vừa qua, Nhật Bản từng đề nghị Hàn Quốc tiến hành đàm phán ngoại giao song phương để giải quyết vấn đề nhưng không thành công.

Sau đó 4 tháng, Tokyo tiếp tục đề nghị Seoul chỉ định thành viên tham gia hội đồng trọng tài theo quy định của Hiệp định về quyền yêu sách Nhật-Hàn năm 1965 nhưng phía Seoul đã tiếp tục bỏ qua yêu cầu này.

Đến ngày 20/6, Nhật Bản một lần nữa yêu cầu Hàn Quốc tham gia hội đồng trọng tài với sự tham gia của một nước thứ 3, đồng thời đặt hạn chót vào ngày 18/7 để Seoul đưa ra câu trả lời.

Ngày 16/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng tuyên bố không chấp nhận đề nghị tham gia hội đồng trọng tài theo đề xuất của Nhật Bản.

Nhật Bản hiện đang cân nhắc đưa vấn đề gây tranh cãi này lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục