Nhật Bản tìm ra phương pháp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy bằng AI

Trong nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu Đại học Kyoto và nhà sản xuất thiết bị y tế Arkray Inc. đã phát triển một mô hình nhận dạng khối u thông qua công nghệ máy học tự động.

MicroRNA trong máu được đo bằng máy giải trình tự thế hệ tiếp theo. (Nguồn: Arkray Inc.)
MicroRNA trong máu được đo bằng máy giải trình tự thế hệ tiếp theo. (Nguồn: Arkray Inc.)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Kyoto (Nhật Bản) mới đây đã phát triển thành công một phương pháp cho độ chính xác cao trong phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư tuyến tụy bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Ung thư tuyến tụy có tỷ lệ tử vong cao vì rất khó phát hiện giai đoạn đầu của bệnh và không có phương pháp điều trị hiệu quả khi bệnh đã phát triển.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu Đại học Kyoto và nhà sản xuất thiết bị y tế Arkray Inc. đã phát triển một mô hình nhận dạng khối u thông qua công nghệ máy học tự động.

Phó Giáo sư Akihisa Fukuda thuộc Khoa Tiêu hóa, Đại học Kyoto, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết phương pháp này giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy mà không gây nhiều tổn hại cho cơ thể.

Trong bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ xác minh tính hiệu quả của phương pháp mới trên quy mô rộng hơn, để sau đó xin chính phủ cho phép đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Theo số liệu năm 2020 của Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản, mỗi năm ở nước này có khoảng 44.000 người được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy.

Tuy nhiên, có tới một nửa trong số này phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối, do cơ thể không có bất kỳ triệu chứng gì trong giai đoạn đầu.

Hiện tại, chưa có kỹ thuật chẩn đoán hiệu quả nào có thể xác định chính xác ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu.

Trong phương pháp mới do nhóm nhà nghiên cứu từ Đại học Kyoto thử nghiệm, nhóm đã tiến hành phân tích microRNA, là các đoạn rất ngắn của axit ribonucleic (RNA) có chức năng điều chỉnh các yếu tố di truyền.

Trong số hơn 2.500 microRNA trong máu, có 100 loại đặc biệt phổ biến đã được chọn để kết hợp với một dấu hiệu khối u thông thường để tạo ra mô hình chẩn đoán.

Dữ liệu về microRNA và dấu hiệu ung thư được thu thập từ 93 người khỏe mạnh và 92 bệnh nhân ung thư tuyến tụy tại 17 trung tâm y tế, bao gồm cả Bệnh viện Đại học Kyoto.

Dữ liệu này sau đó được nạp vào hệ thống AI để máy học tự hoàn thiện mô hình phát hiện ung thư. Mô hình sau đó đã được áp dụng thử nghiệm chẩn đoán trên 240 bệnh nhân để đánh giá hiệu quả.

Kết quả cho thấy đã phát hiện tới 83% số trường hợp mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn 1, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ phát hiện thông thường thông qua việc xét nghiệm tìm chỉ dấu khối u.

Thông thường, chỉ có 29% bệnh nhân ung thư tuyến tụy có kết quả xét nghiệm dương tính với chỉ dấu khối u ở giai đoạn 1.

Ngoài ra, kết quả thử nghiệm cũng cho thấy kết quả chẩn đoán ung thư tuyến tụy bằng phương pháp AI có độ chính xác tối đa lên tới 50% ngay cả trong giai đoạn rất sớm (giai đoạn 0) của bệnh, khi việc phát hiện ung thư thường rất khó khăn. Điều này cho thấy phương pháp của nhóm có thể đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện ung thư tuyến tụy từ lúc bệnh còn chưa tiến triển.

Theo lời của Phó Giáo sư Fukuda, “tỷ lệ sống sót có thể cải thiện đáng kể thông qua phẫu thuật ở giai đoạn 0 và giai đoạn 1, trong khi những bệnh nhân ở giai đoạn bệnh tiến triển cao hơn thường gặp khó khăn trong quá trình hồi phục.”

Với những bệnh nhân từ giai đoạn 2 trở lên, tỷ lệ thành công của kỹ thuật mới dao động từ 93-97%. Kết quả trung bình thành công chung đạt 90%.

Nhà sản xuất Arkray cho biết họ đang đặt mục tiêu đưa nguyên mẫu ra thị trường để nghiên cứu trong vòng 1-2 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục