Nhật Bản tiếp tục tham gia các dự án năng lượng lớn của Nga

Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản nêu rõ nếu nước này từ bỏ cổ phần, Nga sẽ kiểm soát và việc nhập khẩu năng lượng có thể "tốn kém hơn" đối với Tokyo trong thời gian dài.
Nhật Bản tiếp tục tham gia các dự án năng lượng lớn của Nga ảnh 1Tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở vùng biển ngoài khơi Sodegaura, tỉnh Chiba, Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo)

Nhật Bản không có kế hoạch rút khỏi hai dự án năng lượng lớn ở ngoài khơi đảo Sakhalin của Nga và chính sách này không đi ngược với các biện pháp trừng phạt Tokyo áp đặt đối với Moskva liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Seiji Kihara đưa ra lời khẳng định trên khi nói tới quan hệ với Nga.

Theo hãng tin Kyodo, phát biểu ngày 15/5 trên đài truyền hình NHK, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kihara nêu rõ nếu Nhật Bản từ bỏ cổ phần, Nga sẽ kiểm soát và việc nhập khẩu năng lượng có thể "tốn kém hơn" đối với Tokyo trong thời gian dài.

Ông cũng nói thêm nếu các nước khác có được cổ phần của Nhật Bản trong các dự án dầu mỏ và khí đốt hóa lỏng (LNG) Sakhalin 1 và 2, có khả năng những nước không áp đặt trừng phạt chống Nga sẽ hưởng lợi.

[Tập đoàn Eneos Holdings của Nhật Bản dừng nhập khẩu dầu của Nga]

Khi được hỏi về khả năng Nhật Bản siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga bằng cách loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu LNG của nước này, ông Kihara cho biết chính phủ sẽ "cân nhắc vấn đề này khi cần thiết" dựa trên sự thống nhất trong Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7), bao gồm cả Anh, Đức và Mỹ.

Với các quốc gia phát triển lớn khác trong G7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mới đây tuyên bố "về mặt nguyên tắc," Tokyo sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ của Moskva. Tuy nhiên, ông khẳng định các dự án về Sakhalin, một đảo lớn ở phía Bắc quần đảo Nhật Bản, có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của nước này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho rằng sẽ là thách thức đối với Nhật Bản và các nước châu Âu nếu cấm nhập khẩu LNG của Nga trong tương lai nếu không tìm được các nhà cung cấp thay thế.

Năm 2021, có tới 40% lượng LNG tiêu thụ tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là nhập khẩu từ Nga, trong khi 9% lượng LNG tiêu thụ tại Nhật Bản cũng là nhập từ nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục