Nhật Bản tịch thu khoản tiền nộp tại ngoại 14 triệu USD của ông Ghosn

Phán quyết của tòa án được đưa ra sau khi tòa đã chấp thuận yêu cầu của các công tố viên về việc hủy bỏ bảo lãnh của cựu Chủ tịch tập đoàn Nissan Motor Carlos Ghosn.
Cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 3/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các quan chức của Tòa án quận Tokyo ngày 7/1 cho biết họ đã quyết định tịch thu 1,5 tỷ yen (14 triệu USD) tiền nộp để được tại ngoại của cựu Chủ tịch tập đoàn Nissan Motor Carlos Ghosn, người đã vi phạm các điều kiện bảo lãnh bằng cách trốn khỏi Nhật Bản vào tháng trước.

Phán quyết của tòa án được đưa ra sau khi tòa đã chấp thuận yêu cầu của các công tố viên về việc hủy bỏ bảo lãnh của ông Ghosn.

[Nghi vấn mới về hành trình tẩu thoát của cựu chủ tịch Nissan Ghosn]

Số tiền bị tịch thu thuộc hàng lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản sẽ được chuyển đến kho bạc nhà nước.

Văn bản của phán quyết này đã được thiết lập từ ngày 31/1/2019.

Xác suất để ông Ghosn, người đã trốn sang Liban, quay trở lại Nhật Bản là khá thấp vì quốc gia Trung Đông này không có thỏa thuận dẫn độ với Nhật Bản.

Cuộc tẩu thoát của ông Ghosn khỏi những gì ông nói là một "hệ thống tư pháp Nhật Bản cứng nhắc" đã che khuất triển vọng cho phiên tòa xét xử về các cáo buộc sai phạm tài chính của ông dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 4/2020.

Vào ngày 19/11/2018, ông Ghosn bị bắt vì các cáo buộc sai phạm tài chính, trong đó có việc không kê khai khoản thù lao ông được nhận khoảng 9 tỷ yên (83 triệu USD) trong 8 năm và lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân.

Ông sau đó chấp nhận trả khoản tiền bảo lãnh 1 tỷ yen vào ngày 6/3/2019 nhưng bị giam giữ trở lại vào ngày 4/4/2019.

Sang ngày 25/4 cùng năm, ông lại được tại ngoại sau khi đồng ý nộp thêm 500 triệu yen.

Theo các điều kiện bảo lãnh, ông Ghosn, người có quốc tịch Brazil, Pháp và Liban, không được di chuyển ra nước ngoài và liên lạc với người vợ Carole mà không được chấp thuận.

Các công tố viên nói với tòa án rằng họ đã liên lạc với các cá nhân liên quan đến vụ án của ông Ghosn.

Cũng trong ngày 7/1, Nissan Motor khẳng định họ không có bất cứ thay đổi nào trong kế hoạch triển khai hành động pháp lý chống lại cựu Chủ tịch Carlos Ghosn kể cả khi nhân vật này trốn sang Liban.

Cuộc thăm dò nội bộ đã kết luận Nissan phải chịu một khoản lỗ tổng cộng hơn 35 tỷ yen do sai phạm tài chính của ông Ghosn và cựu Giám đốc Greg Kelly, người cũng bị buộc tội thông đồng với cựu Chủ tịch Ghosn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục