Nhật Bản thúc đẩy 'ngoại giao tư pháp' với các đối tác ASEAN

Trong khuôn khổ Sáng kiến Ngoại giao Tư pháp, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật pháp lý cho các quốc gia châu Á, bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN.
Các Bộ trưởng Tư pháp ASEAN-Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm trước thềm hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Đức Thịnh/TTXVN)

Ngày 6/7, Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp đặc biệt ASEAN-Nhật Bản (AJSMJ) đã diễn ra tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với chủ đề “Tăng cường hợp tác ASEAN-Nhật Bản để thúc đẩy pháp quyền: Hướng tới một giai đoạn mới sau 50 năm hữu nghị và hợp tác."

Đây là cuộc gặp cấp bộ trưởng đầu tiên giữa một đối tác đối thoại (Nhật Bản) với các quốc gia thành viên ASEAN trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ken Saito nhấn mạnh năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác ASEAN-Nhật Bản. Tăng cường hợp tác với ASEAN là vấn đề cấp bách đối với Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN đang ngày càng trở thành một khu vực quan trọng đối với hòa bình, thịnh vượng và tăng trưởng. 

Bộ trưởng Ken Saito nhấn mạnh Bộ Tư pháp Nhật Bản đang thúc đẩy “ngoại giao tư pháp,” một sáng kiến nhằm thúc đẩy các giá trị cơ bản như pháp quyền và tôn trọng quyền con người.

Trong khuôn khổ sáng kiến này, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật pháp lý cho các quốc gia châu Á, bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN, trong nhiều năm. 

Những nỗ lực đó của Bộ Tư pháp đã góp phần tăng cường mối quan hệ bền vững với các quốc gia thành viên ASEAN dựa trên lòng tin.

Để tiếp tục thúc đẩy “ngoại giao tư pháp” với các đối tác ASEAN, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã trở thành Đối tác đối thoại đầu tiên với ASEAN trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp vào năm 2021 và kể từ đó đã tham dự Hội nghị tham vấn quan chức luật cấp cao ASEAN (ASLOM)-Nhật Bản hằng năm.

Với những thành tựu đạt được và trên cơ sở thống nhất, Bộ Tư pháp đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp đặc biệt ASEAN-Nhật Bản vào năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm Hợp tác và Hữu nghị ASEAN-Nhật Bản. 

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản cho rằng việc tổ chức AJSMJ 2023 thể hiện sự kỳ vọng và tin tưởng cao của ASEAN đối với sáng kiến của Nhật Bản.

Ông Ken Saito cam kết Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy và duy trì các giá trị nền tảng thông qua các cuộc thảo luận và việc đạt được sự nhất trí đối với các văn kiện kết quả tại AJSMJ.

Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Đức Thịnh/TTXVN)

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đặt mục tiêu tăng cường hơn nữa các sáng kiến lâu dài như hỗ trợ pháp lý về mặt kỹ thuật để thực hiện các giá trị cơ bản đó, như một phương tiện để thúc đẩy chiến lược “Ngoại giao tư pháp."

Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố chung cam kết tăng cường và thúc đẩy các giá trị chung và các nguyên tắc nền tảng như pháp quyền và tôn trọng quyền con người, cũng như chủ quyền quốc gia và hội nhập khu vực, thông qua việc củng cố và tăng cường mức độ hợp tác trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp giữa ASEAN với Nhật Bản. 

Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và điều phối giữa ASEAN với Nhật Bản trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp, thông qua Sáng kiến Ngoại giao Tư pháp của Bộ Tư pháp Nhật Bản, xây dựng một cộng đồng quốc tế hòa bình và thịnh vượng chia sẻ và củng cố các giá trị nền tảng. 

Tuyên bố chung khẳng định để thực thi các cam kết chung, hội nghị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ căn cứ theo Kế hoạch làm việc trên tinh thần hữu nghị, hợp tác và đối tác bình đẳng, đồng thời cam kết đưa hợp tác ASEAN-Nhật Bản bước vào giai đoạn mới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục