Nhật Bản thúc đẩy dự luật cho phép cha mẹ cùng nuôi con sau ly hôn

Quy định hiện nay về nuôi con chỉ cho phép cha hoặc mẹ được phép nuôi con sau khi ly hôn, song dự luật mới sẽ cho phép hai bên cùng nhau nuôi con hoặc một trong hai người nuôi con.
Cha mẹ cho các con tham gia một trò chơi ở Tokyo, Nhật Bản ngày 22/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản ngày 8/3 đã nhất trí về dự luật cho phép cha mẹ cùng nhau nuôi con sau ly hôn, trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi thừa nhận sự đa dạng trong quan hệ gia đình.

Quy định hiện nay về nuôi con chỉ cho phép cha hoặc mẹ được phép nuôi con sau khi ly hôn, song dự luật mới sẽ cho phép hai bên cùng nhau nuôi con hoặc một trong hai người nuôi con.

Một tòa án gia đình sẽ can thiệp trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Nếu có nghi ngờ về việc làm dụng trẻ em hoặc bạo lực gia đình từ cha hoặc mẹ, tòa án gia đình sẽ yêu cầu người còn lại nuôi con một mình theo dự luật mới.

Theo quy định về cùng nhau nuôi con, các tòa án gia đình sẽ có thể can thiệp vào các cuộc tranh chấp giữa cha mẹ trong những vấn đề quan trọng như giáo dục và điều trị y tế dài hạn, tuy nhiên trong tình huống khẩn cấp, khi không đạt đồng thuận kịp thời, cha hoặc mẹ có thể tự quyết định. Sự đồng thuận giữa cha mẹ là không cần thiết để quyết định về một số vấn đề thường ngày.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch thúc đẩy Quốc hội phê chuẩn dự luật trước khi kỳ họp hiện nay kết thúc vào tháng Sáu.

Các quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm tới sau khi ban hành, song vẫn cho phép cha mẹ cùng nhau nuôi con dù ly hôn trước khi dự luật có hiệu lực.

Đánh giá về việc áp dụng cơ chế mới này, các chuyên gia pháp lý kêu gọi chính phủ tăng cường vai trò của tòa án gia đình trên cả nước trong việc xác định các trường hợp lạm dụng và bạo lực gia đình, vốn thường khó phát hiện đối với người ngoài.

Trong trường hợp nuôi con một mình, dự luật cũng bắt buộc người không nuôi con phải cấp dưỡng cho con ở mức tối thiểu, trong khi việc áp dụng cơ chế này sẽ giúp các bậc cha mẹ duy trì tiếp xúc với con sau ly hôn.

Theo các chuyên gia pháp lý, tại nhiều quốc gia khác, việc cùng nhau nuôi con sau ly hôn là phổ biến.

Trong khi đó, cơ chế nuôi con một mình hiện nay tại Nhật Bản bị cho là gây căng thẳng trong quan hệ giữa con cái và cha mẹ, dẫn tới việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục