Ngày 14/4, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua các dự luật tước bỏ các quy chế thương mại "tối huệ quốc" đối với Nga và ngăn Moskva thực hiện các giao dịch bằng tiền điện tử. Quyết định nêu trên mở đường cho các sửa đổi Hiến pháp về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Nga vào cuối kỳ họp Quốc hội trong tháng 6 tới.
Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), còn gọi là quy chế “tối huệ quốc,” đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại.
Trước đây, với quy chế này, Nga đã được hưởng mức thuế thấp, cũng như các lợi ích khác khi là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Một trong hai dự luật được Hạ viện Nhật Bản thông qua nhằm sửa đổi một luật thuế quan sẽ nâng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga lên các mức được áp dụng trước khi hưởng ưu đãi. Ví dụ, thuế nhập khẩu cá hồi sẽ tăng từ 3,5% hiện nay lên mức 5%, thuế áp với cua nhập khẩu sẽ tăng từ 4% lên 6%.
[Hạ viện Nhật Bản thông qua tăng ngân sách cho quân Mỹ đồn trú]
Dầu thô và khí đốt hóa lỏng không bị ảnh hưởng vì các hàng hóa này không bị đánh thuế ngay cả trước khi được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, giới chức Nhật Bản cũng đang xem xét các sắc lệnh quy định rằng toàn bộ hàng nhập khẩu từ Nga sẽ phải chịu mức thuế cao hơn cho tới cuối tháng 3/2023.
Trong khi đó, dự luật ngoại hối sửa đổi yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử phải xác minh xem liệu bên nhận giao dịch có bị trừng phạt tài chính hay không. Việc sửa đổi nhằm mục đích ngăn chặn tiền điện tử trở thành lỗ hổng để né tránh các lệnh trừng phạt.
Các dự luật trên dự kiến sẽ được Thượng viện Nhật Bản thông qua và có thể được ban hành vào ngày 15/6 tới khi kỳ họp Quốc hội thông thường bế mạc.
Tuần trước, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu than từ Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Moskva. Nhật Bản cũng tuyên bố đóng băng tài sản đối với Sberbank - ngân hàng lớn nhất của nước Nga cũng như cấm các khoản đầu tư mới vào nước này./.