Nhật Bản thảo luận về thay đổi quy định cho xuất khẩu các loại vũ khí

Nội dung dự kiến được đảng Dân chủ tự do và đảng Công minh đưa ra thảo luận là thay đổi các quy định cho phép xuất khẩu các loại vũ khí có khả năng sát thương như xe tăng và máy bay chiến đấu.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phóng một quả tên lửa đất đối hạm. (Nguồn: GSDF)

Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản gồm đảng Dân chủ tự do và đảng Công minh đã nhất trí sẽ tổ chức thảo luận về việc sửa đổi chỉ dẫn về 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí vào ngày 25/4.

Nội dung dự kiến được đảng Dân chủ tự do và đảng Công minh đưa ra thảo luận là thay đổi các quy định cho phép xuất khẩu các loại vũ khí có khả năng sát thương như xe tăng và máy bay chiến đấu.

Chỉ dẫn về 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản quy định chỉ được phép xuất khẩu thiết bị phòng vệ sang một số quốc gia nhất định. Mục đích xuất khẩu vũ khí cũng được giới hạn trong 5 lĩnh vực cụ thể là cứu nạn, vận chuyển, cảnh báo, giám sát và làm sạch biển.

Kể từ khi ban hành 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí vào năm 2014, các doanh nghiệp Nhật Bản mới chỉ ký kết được 1 hợp đồng bán radar phòng không cho Philippines năm 2020.

Trong nội bộ chính phủ và đảng cầm quyền Nhật Bản có ý‎ kiến cho rằng cần mở rộng đối tác xuất khẩu vũ khí là các quốc gia có quan hệ tốt, có hợp tác về mặt phòng vệ với Nhật Bản, đồng thời bổ sung thêm mục đích xuất khẩu vũ khí là nhằm loại bỏ mìn và phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện.

Việc điều chỉnh 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí được Chính phủ Nhật Bản đề cập trong Chiến lược an ninh quốc gia thông qua tháng 12/2022.

Trong khi đó, tại quốc gia châu Á khác là Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lee Jong-sup cam kết hợp tác với các công ty quốc phòng trong nước nhằm đạt được 20 tỷ USD xuất khẩu vũ khí trong năm 2023, tái khẳng định cam kết của Seoul trong việc củng cố vị thế của Hàn Quốc ở nước ngoài.

Phát biểu của Bộ trưởng Lee Jong-sup được đưa ra tại cuộc họp với lãnh đạo các công ty quốc phòng và giới chức đến từ Bộ Quốc phòng và Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng (DAPA), trong bối cảnh Seoul đặt mục tiêu vượt mức xuất khẩu vũ khí kỷ lục của năm ngoái là 17,3 tỷ USD.

[Xuất khẩu vũ khí của Đức giảm so với cùng kỳ năm ngoái]

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lee Jong-sup nhắc lại câu "hòa bình thông qua sức mạnh" của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Quy mô xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong giai đoạn 2018-2022 đã tăng 74%, chiếm 2,4% thị phần xuất khẩu công nghiệp quốc phòng thế giới, đứng thứ 9 trên thế giới.

Số liệu do Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), tổ chức nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Điển, công bố ngày 13/3 cho thấy xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng mạnh trong 5 năm qua so với giai đoạn 5 năm trước đó (2013-2017) khi nước này chỉ chiếm 1,3% thị phần xuất khẩu vũ khí thế giới.

Thứ hạng về thị phần xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc liên tục tăng qua các năm, cụ thể là hạng 12 năm 2017, hạng 11 năm 2018, hạng 10 năm 2019, hạng 9 và 8 lần lượt vào năm 2020 và 2021.

SIPRI cho biết quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí của Hàn Quốc trong giai đoạn 2018-2022 là Philippines (chiếm 16%), Ấn Độ (13%), Thái Lan (13%).

Báo cáo về xu hướng mua bán vũ khí quốc tế năm 2022 cho thấy 63% số vũ khí của Hàn Quốc được xuất sang các nước châu Á và châu Đại dương.

Nhu cầu của các nước đối với vũ khí sản xuất tại Hàn Quốc ngày càng tăng, trong đó Ba Lan đã đặt hàng số lượng lớn trong năm ngoái.

Tính theo đơn đặt hàng hiện tại, đến sau năm 2023, số vũ khí mà Hàn Quốc bán ra nước ngoài sẽ gồm 136 máy bay chiến đấu, 6 tàu chiến, 990 xe tăng, 23 xe bọc thép.

Đặc biệt, trong 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu, Hàn Quốc đứng thứ nhất về số lượng xe tăng và đạn pháo.

Mặt khác, Hàn Quốc cũng là nước đứng thứ 6 về nhập khẩu vũ khí, chiếm 3,7% thị phần thế giới về nhập khẩu quốc phòng giai đoạn 2018-2022.

Trong số này, có tới 71% là vũ khí nhập khẩu từ Mỹ, 19% từ Đức và 7,9% từ Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục