Theo báo cáo sơ bộ được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 8/7, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tháng 5 đạt 1.880,9 tỷ yen (15,37 tỷ USD).
Đây là mức cao nhất trong vòng 8 năm qua và là tháng thứ 11 liên tiếp Nhật Bản đạt thặng dư tài khoản vãng lai trong bối cảnh giá dầu mỏ kéo theo sự sụt giảm kim ngạch nhập khẩu còn đồng yen mất giá giúp tăng thu nhập từ nước ngoài.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 5.707,2 tỷ yen (46,6 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu giảm 10,3% xuống 5.754,5 tỷ yen (47 tỷ USD), theo đó thâm hụt thương mại và hàng hóa giảm 651,4 tỷ yen (5,3 tỷ USD) xuống 47,3 tỷ yen (387 triệu USD). Nhập khẩu dầu thô giảm 31,6%, nhập khẩu khí đốt hóa lỏng cũng giảm 44,1%. Sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011, Nhật Bản đã phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu năng lượng.
Trong khi đó, tỷ giá đồng yen/USD giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái giúp thu hút du khách nước ngoài đến Nhật Bản, khiến cán cân du lịch đạt thặng dư 103,1 tỷ yen (842 triệu USD), mức cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu được thống kê năm 1996. Bên cạnh đó, thu nhập từ các khoản đầu tư ở nước ngoài tăng 38% lên 2.013 tỷ yen (16,4 tỷ USD).
Về lĩnh vực dịch vụ, thặng dư đối với phí sử dụng quyền sở hữu trí tuệ đạt mức kỷ lục là 390,9 tỷ yen (3,2 tỷ USD), chủ yếu do tiền bản quyền trong ngành sản xuất ô tô. Chuyen gia kinh tế Nhật Bản nhận định xu hướng thặng dư trong cán cân du lịch và phí sử dụng sở hữu trí tuệ sẽ tăng trong tương lai, đóng góp vào thặng dư của cán cân thanh toán. Trong bối cảnh cấu trúc công nghiệp đang thay đổi, ngành dịch vụ sẽ bắt đầu thúc đẩy tài khoản vãng lai thay vì thặng dư thương mại./.