Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030 mở rộng quy mô nền kinh tế tuần hoàn trong nước lên 80.000 tỷ yen (khoảng 581,67 tỷ USD), trong đó tập trung vào giảm lượng khí thải carbon thông qua việc tái sử dụng các sản phẩm và tài nguyên.
Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Hoạt động này đã được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn.
Chủ trương thúc đẩy quy mô nền kinh tế tuần hoàn hiện đang có giá trị 50.000 tỷ yen của Nhật Bản là nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế bền vững bằng cách tái sử dụng và tái chế hàng hóa và vật liệu.
Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang nỗ lực hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon (không phát thải carbon) vào năm 2050. Các sáng kiến sẽ bao gồm tái chế nguyên liệu thô và phân phối hàng hóa đã qua sử dụng, nhằm giảm lượng khí thải CO2, vốn là thủ phạm chính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu.
[Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn]
Theo các nguồn tin, kế hoạch sẽ kêu gọi tăng gấp đôi số lượng tái chế các sản phẩm thiết bị điện tử và pin lưu trữ, vốn là những bộ phận thường xuất hiện trong các thiết bị gia dụng nhỏ đã qua sử dụng. Động thái này nhằm nâng tính bền vững của quá trình sử dụng các kim loại quý và hiếm.
Hiện nay, nhu cầu toàn cầu đối với lithium và các kim loại hiếm khác cần thiết cho quá trình sản xuất pin xe điện đang tăng cao, giữa bối cảnh các quốc gia đang hướng tới loại bỏ các loại hình ôtô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ tìm cách tăng nhập khẩu các thiết bị gia dụng phế thải từ các nước, bao gồm cả các nước ở Đông Nam Á. Kế hoạch ngân sách dự kiến của Bộ cũng bao gồm hỗ trợ tài chính cho việc chi tiêu vốn của các công ty Nhật Bản.
Bộ trên cũng sẽ kêu gọi thiết lập các vùng pháp lý để thúc đẩy việc tái sử dụng và tái chế các tấm pin Mặt Trời, vốn đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản kể từ trận động đất tháng 3/2011 làm rung chuyển vùng Đông Bắc nước này và gây ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Ngoài ra, Bộ Môi trường Nhật Bản cũng sẽ xem xét các mục tiêu thúc đẩy giảm phát thải carbon, tăng cường tái sử dụng, sửa chữa và nghiên cứu các cách sử dụng bền vững khác đối với hàng may mặc./.