Nhật Bản tái khởi động nỗ lực thu hồi nhiên liệu rò rỉ tại nhà máy Fukushima

Các mảnh vụn sau khi thu hồi sẽ được nghiên cứu để đánh giá thông tin về điều kiện bên trong các lò phản ứng hạt nhân và đây sẽ là bước đi hướng tới việc dừng hoàn toàn Nhà máy Fukushima số 1.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 10/9, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thông báo tái khởi động nỗ lực thu hồi một lượng nhỏ nhiên liệu nóng chảy từ một trong số các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Trước đó, hoạt động thử nghiệm lần đầu tiên trong tháng Tám đã tạm dừng do lỗi quy trình lắp đặt.

Ngày 22/8, TEPCO đã tiến hành những nỗ lực đầu tiên để thu hồi nhiên liệu rò rỉ kể từ sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 bị hư hại sau trận động đất và sóng thần tháng 3/2021.

Tuy nhiên, hoạt động thử nghiệm đã bị tạm dừng sau khi phát hiện 5 đường ống được sử dụng trong thiết bị thu hồi kết nối với bình chứa của lò phản ứng hạt nhân số 2 bị lắp đặt không đúng thứ tự.

Sau khi xác nhận đã lắp đặt đúng quy trình, TEPCO đã tiếp tục triển khai kế hoạch trên. Công ty sẽ đưa thiết bị có chiều dài tới 22m vào bình chứa để thu thập gần 3g mảnh vỡ. Dự kiến, công ty sẽ mất khoảng 2 tuần để có thể tiếp cận và thu hồi mảnh vỡ.

Việc thu hồi các vật liệu phóng xạ này sẽ được điều khiển từ xa. Các mảnh vụn sau khi thu hồi sẽ được nghiên cứu để đánh giá thông tin về điều kiện bên trong các lò phản ứng hạt nhân và đây sẽ là bước đi quan trọng hướng tới việc dừng hoàn toàn Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Ước tính đang có khoảng 880 tấn mảnh vỡ nhiên liệu trong các lò phản ứng hạt nhân số 1, 2 và 3 của nhà máy. Nhiệm vụ thu hồi nhiên liệu rò rỉ vẫn là một thách thức trong kế hoạch ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. TEPCO đã 3 lần hoãn kế hoạch thu hồi các mảnh vỡ do đại dịch COVID-19 và các vấn đề về kỹ thuật. Đến nay, chưa có bất cứ quyết định nào về phương án cụ thể để thu hồi toàn bộ số lượng còn lại.

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 9/9, Thống đốc tỉnh Fukushima Masao Uchibori bày tỏ lo ngại và yêu cầu TEPCO thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ và không hoàn toàn dựa vào các nhà thầu phụ để thực hiện.

Trước đó, sau khi tạm ngừng việc thu hồi vào tháng trước, một cuộc điều tra được tiến hành, trong đó xác định TEPCO và nhà thầu công ty Mitsubishi Heavy Industries thuê bên thứ 3 chuẩn bị các đường ống và đã không kiểm tra thứ tự lắp đặt của các ống.

Sau vụ việc, TEPCO đã đưa ra một số biện pháp ứng phó để ngăn ngừa các sự cố khác liên quan.

Tháng Hai vừa qua, TEPCO đã triển khai 2 thiết bị bay không người lái và robot “hình con rắn” để tiếp cận một trong lò phản ứng hạt nhân bị hư hại. TEPCO cũng phát triển các robot chuyên dụng để hoạt động bên trong khu vực này do các mảnh vỡ nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân có mức phóng xạ rất cao.

Năm ngoái, Nhật Bản bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ Nhà máy điện Fukushima vào vùng biển Thái Bình Dương, gây tranh cãi trong quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng trên biển. Trung Quốc và Nga. Hai nước này đã cấm nhập khẩu hải sản của Nhật Bản, mặc dù Nhật Bản khẳng định việc xả thải là an toàn và được sự ủng hộ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Theo sáng kiến của TEPCO, Nhật Bản đang tiến hành quảng cáo thực phẩm từ khu vực Fukushima tới các nước. Nước này đã đưa lên kệ cửa hàng bách hóa Harrods ở London loại đào Fukushima nổi tiếng vào ngày 7/9 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục