Nhật Bản tái khởi động lò phản ứng hạt nhân ở tỉnh Shimane sau 13 năm

Việc tái khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân nằm trong mục tiêu chung của Chính phủ Nhật Bản là đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định với giá cả thích hợp và đẩy nhanh quá trình khử carbon.

Nhà máy điện hạt nhân Shimane, (Nguồn: Reuters)
Nhà máy điện hạt nhân Shimane, (Nguồn: Reuters)

Ngày 7/12, Công ty Điện lực Chugoku đã tái khởi động Tổ máy số 2 của Nhà máy điện hạt nhân Shimane, lần đầu tiên sau 13 năm.

Đây là tổ máy điện hạt nhân thứ 14 được phép hoạt động trở lại sau khi đã đáp ứng các tiêu chuẩn quy định an toàn mới sau sự cố rò rỉ phóng xạ của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 vào năm 2011.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Công ty Điện lực Chugoku đã dừng hoạt động Tổ máy số 2 của nhà máy điện hạt nhân Shimane vào tháng 1/2012 để kiểm tra an toàn sau khi xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Việc thiết lập các biện pháp đảm bảo an toàn đã được hoàn tất vào tháng 10 năm nay, nhiên liệu hạt nhân được đưa vào lò phản ứng hồi tháng 11.

Theo đại diện của Công ty Điện lực Chugoku, Tổ máy số 2 đã đạt được phản ứng dây chuyền tự duy trì khoảng 2 giờ sau khi khởi động lại và dự kiến sẽ bắt đầu phát điện trong tháng 12 cũng như vận hành thương mại vào tháng 1 năm sau.

Tổ máy này thuộc loại lò phản ứng nước sôi (BWR), tương tự với loại được sử dụng tại Nhà máy Fukushima số 1 bị hư hại.

Đây cũng là tổ máy thứ hai sau một tổ máy thuộc nhà máy điện hạt nhân Onagawa của Công ty Điện lực Tohoku, tỉnh Miyagi, đã được tái khởi động trở lại hồi tháng 10.

Nhà máy điện hạt nhân Shimane là nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở Nhật Bản đặt ở thủ phủ của một tỉnh với khoảng 450.000 cư dân sinh sống trong bán kính 30 km.

Theo quy định, tất cả những người sinh sống trong khu vực cách nhà máy điện hạt nhân khoảng cách như vậy đều phải có kế hoạch sơ tán khẩn cấp.

Chủ tịch Công ty Điện lực Chugoku Kengo Nakagawa cho biết, đây là thời khắc quan trọng đối với doanh nghiệp vận hành nhà máy điện hạt nhân Shimane, giúp giảm tỷ lệ sản xuất nhiệt điện vốn đang chịu chi phí giá nhiên liệu cao, cũng như cải thiện doanh thu dự kiến tăng 11 tỷ yen (khoảng 73 triệu USD) trong tài khóa này. Tuy nhiên, đơn vị này sẽ tiếp tục đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, thậm chí còn cao hơn quy định an toàn cơ bản.

Trong khi đó, Thống đốc tỉnh Shimane Maruyama nhấn mạnh, cho đến trước thời điểm vận hành thương mại, tổ máy này sẽ vẫn phải thực hiện thêm các cuộc kiểm tra và chạy thử. Chính quyền địa phương sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của tổ máy sau khi tái khởi động một cách thận trọng.

Tổ máy số 2 của nhà máy điện hạt nhân Shimane được vận hành thương mại từ tháng 2/1989, liên tục cho đến tháng 1/2012 buộc phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra an toàn.

Đến năm 2013, Công ty Điện lực Chugoku đã nộp đơn lên Cơ quan quản lý hạt nhân để xem xét các điều kiện tái khởi động và đã được thông qua sau 8 năm.

Trong số 14 tổ máy thuộc 8 nhà máy điện hạt nhân đáp ứng các quy định an toàn hạt nhân mới, chỉ có Tổ máy số 2 của nhà máy điện hạt nhân Shimane và Tổ máy số 2 của nhà máy điện hạt nhân Onagawa là thuộc loại BWR, tương tự với loại được sử dụng tại Nhà máy Fukushima số 1 bị hư hại, còn lại đều thuộc loại lò phản ứng nước áp lực (PWR).

Việc tái khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân nằm trong mục tiêu chung của Chính phủ Nhật Bản là đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định với giá cả thích hợp và đẩy nhanh quá trình khử carbon.

Theo kế hoạch năng lượng cơ bản quốc gia, Nhật Bản hướng tới tăng tỷ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu điện quốc gia lên 20-22% vào tài khóa 2030.

Tuy nhiên điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn, nhất là tìm kiếm được sự đồng thuận từ người dân địa phương, trong bối cảnh tỷ lệ này chỉ đạt 8,5% vào năm 2023 theo thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chứng khoán châu Á: Một ngày "lặng sóng"

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 127,26 điểm (0,33%) lên 39.257,69 điểm, sau thông tin Nhật Bản chuẩn bị một gói ngân sách kỷ lục trị giá 735 tỷ USD cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2025.

Cảnh sát Pakistan gác tại cửa khẩu Torkham ở biên giới với Pakistan, tại tỉnh Nangarhar ngày 02/02/2023. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Căng thẳng gia tăng giữa Pakistan và Afghanistan

Thông báo của chính quyền Taliban cho biết quân đội Pakistan đã tấn công vào 4 địa điểm tại Afghanistan và khiến 46 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, cùng 6 người khác bị thương.

Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." (Nguồn: The Korea Times)

Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"

Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.