Nhật Bản sử dụng AI để phát hiện thông tin sai lệch, phân tích tình hình quốc tế

Nhật Bản sẽ xây dựng một hệ thống phát hiện thông tin sai lệch lan truyền trên các trang web và mạng xã hội ngay sau khi phát tán.
Nhật Bản thúc đẩy việc sử dụng AI để tăng cường các biện pháp đối phó với thông tin độc hại. (Nguồn: Smejapan)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ thúc đẩy việc sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để tăng cường các biện pháp đối phó với thông tin độc hại và ngăn chặn tác động của những thông tin này đến công tác ngoại giao.

Báo Nikkei đưa tin mới đây, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đề xuất tăng ngân sách cho công tác phòng chống thông tin sai lệch trong ngân sách năm 2024. Khoản ngân sách 920 triệu yen (khoảng 6,5 triệu USD) - gấp hơn 4 lần so với ngân sách ban đầu của năm tài chính 2023 là 210 triệu yen để theo dõi và phân tích thông tin sai lệch.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ xây dựng một hệ thống phát hiện thông tin sai lệch lan truyền trên các trang web và mạng xã hội (SNS) ngay sau khi phát tán, đồng thời dự đoán ý định của người gửi cũng như tác động của những thông tin này đối với người nhận.

Hệ thống cũng có thể được sử dụng để lưu giữ thông tin quan trọng về an ninh kinh tế, đánh giá nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm như chất bán dẫn và công nghệ liên quan đến quốc phòng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng sẽ bắt đầu nghiên cứu kết nối AI tạo sinh với việc phân tích kịch bản các tình huống quốc tế thông qua sử dụng dữ liệu lớn (Big data) như thông tin vị trí vệ tinh và SNS.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, thông tin độc hại như thông tin sai lệch về lãnh thổ của Nhật Bản hay tin đồn về nước thải đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, có thể dẫn đến các vấn đề ngoại giao.

Các nước lớn khác đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Trước đó, ngày 20/12, Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko cho biết cạnh tranh giữa các quốc gia đang ngày càng gay gắt, không chỉ ở sức mạnh quân sự truyền thống mà còn cả chiến tranh thông tin, bao gồm cả việc truyền bá thông tin sai lệch.

Theo bà, Nhật Bản cần tăng cường khả năng thu thập và phân tích thông tin cũng như khả năng phổ biến thông tin ra thế giới bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục