Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định trích 1.200 tỷ yen ( 11,3 tỷ USD) từ quỹ dự phòng 10.000 tỷ yen trong ngân sách bổ sung thứ 2 của tài khóa 2020 để phục vụ cho cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Trong 1.200 tỷ yen này, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ chi khoảng 900 tỷ yen để cứu trợ bằng tiền mặt cho chủ yếu các cơ sở sản xuất-kinh doanh nhỏ có doanh thu sụt giảm vì dịch COVID-19, và 200 tỷ yen để cung cấp các khoản tín dụng khẩn cấp cho cá nhân.
Theo kế hoạch, Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thông qua kế hoạch chi tiêu cụ thể trong phiên họp vào ngày 7/8.
Sau khi Chính phủ Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận đơn xin cứu trợ bằng tiền mặt vào tháng 5/2020, số lượng cơ sở sản xuất-kinh doanh nộp đơn xin cứu trợ đã tăng mạnh. Điều này gây ra các quan ngại về khả năng thiếu hụt ngân sách. Số tiền 1.200 tỷ yen mà dự kiến trích từ quỹ dự phòng có thể đủ để hỗ trợ cho thêm khoảng 800.000 cơ sở sản xuất-kinh doanh.
[Nhật Bản để ngỏ khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh]
Kể từ đầu tháng 7/2020, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành ở Nhật Bản. Tính đến ngày 5/8, nước này đã xác nhận 43.531 ca mắc COVID-19. Chỉ riêng ngày 5/8, Nhật Bản đã phát hiện 1.356 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 263 ca ở thủ đô Tokyo, 196 ca ở tỉnh Osaka, 147 ở tỉnh Aichi và 123 ở tỉnh Fukuoka. Nhiều người lo ngại tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 có thể gia tăng trong những ngày tới khi kỳ nghỉ mùa Hè bắt đầu.
Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định sẽ không tái ban bố tình trạng khẩn cấp vì lo ngại điều này có thể đẩy nền kinh tế lún sâu vào suy thoái. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng Thủ tướng Abe sẽ phải làm như vậy. Điều đó có thể sẽ tác động mạnh tới các cơ sở sản xuất-kinh doanh, vốn đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn vì dịch COVID-19./.