Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi các hiệp định đầu tư với nước ngoài

Chính phủ Nhật Bản đang xây dựng chiến lược phát triển, theo đó sẽ tăng số hiệp định đầu tư với nước ngoài lên gấp đôi hiện nay, đạt 100 hiệp định vào năm 2020.
Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi các hiệp định đầu tư với nước ngoài ảnh 1Hoạt động của tàu quốc tế tại cảng biển Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng phương hướng sẽ tăng số hiệp định đầu tư với nước ngoài lên gấp đôi hiện nay, đạt 100 hiệp định vào năm 2020.

Chủ trương này sẽ được đưa vào chiến lược phát triển đang được Chính phủ Nhật Bản soạn thảo.

Các nước được Tokyo ưu tiên lựa chọn thúc đẩy đàm phán hiệp định đầu tư là những nước Nam Mỹ có thị trường rất tiềm năng như Brazil, Argentina, và các nước châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên, những nước có các ngành công nghiệp quan trọng của Nhật Bản như chế tạo ôtô muốn mở rộng đầu tư.

Cùng với hiệu quả có được từ các hiệp định đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Nhật Bản muốn mở rộng khu vực đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua các hiệp định đầu tư song phương.

Nguyên tắc đàm phán các hiệp định đầu tư của Nhật Bản bao gồm hai nội dung quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài được đối xử công bằng như doanh nghiệp bản xứ và đất đai, cơ sở nhà xưởng của nhà đầu tư nước ngoài không thể bị trưng thu. Các nội dung khác như tự do hóa lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực buôn bán trên mạng cũng sẽ được đưa vào đàm phán.

Theo tính toán của Tokyo, hiệp định đầu tư được ký kết sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm, đẩy mạnh đầu tư vào các nước đối tác, từ đó tăng cả kim ngạch đầu tư và thương mại.

Peru là một ví dụ điển hình khi kim ngạch đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào nước này năm 2013 tăng gấp ba lần, sau khi hai nước ký hiệp định đầu tư năm 2009.

Tương tự, đầu tư của Nhật Bản vào Thái Lan cũng tăng gấp bốn lần so với năm 2007, khi hai bên ký Hiệp định liên kết kinh tế bao gồm cả hoạt động đầu tư.

Cho đến nay, tính từ hiệp định đầu tiên ký với Ai Cập năm 1978, Nhật Bản đã ký kết 42 hiệp định đầu tư nước ngoài với các quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, con số này còn rất "khiêm tốn" nếu so với các con số 134 của Đức và 111 của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc chậm trễ ký kết tại các thị trường tiềm năng như châu Phi trong bối cảnh Trung Quốc đang rất thành công trong việc mở rộng mạng lưới hiệp định đầu tư song phương đang đẩy doanh nghiệp Nhật Bản vào thế bất lợi.

Các nước châu Phi giàu tài nguyên là Nam Phi, Algeria, Ghana, Madagascar.

Ngoài hiệp định đầu tư song phương, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy tiến độ đàm phán các hiệp định đa phương quan trọng như Hiệp định liên kết kinh tế Nhật-châu Âu, Hiệp định liên kết kinh tế bao quát Đông Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục