Ngày 26/10, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết nước này sẽ không tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu họp báo, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi cho rằng, do môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng khó khăn, việc đạt được tiến bộ vững chắc và thực tế hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân, trong khi vẫn duy trì và củng cố khả năng răn đe của chúng tôi để đối phó với các mối đe dọa, là thích hợp.”
Đề cập TPNW, ông Kato nêu rõ "Nhật Bản có chung mục tiêu với hiệp ước này là loại bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng khác về cách tiếp cận vấn đề, do đó Nhật Bản sẽ không tham gia ký hiệp ước."
TPNW được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 7/7/2017 với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên. Tính đến ngày 24/10, đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ký kết hiệp ước.
[Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của LHQ đã đủ điều kiện có hiệu lực]
Theo quy định, TPNW sẽ chính thức có hiệu lực 90 ngày sau khi nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngày 24/10, Honduras đã trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn TPNW, qua đó hội đủ điều kiện cần thiết để hiệp ước này có hiệu lực sau 90 ngày, dự kiến vào tháng 1/2021. Tuy nhiên, chưa có cường quốc hạt nhân nào phê chuẩn hiệp ước.
Những người Nhật Bản chống vũ khí hạt nhân, trong đó có những người sống sót trong vụ ném bom hạt nhân của Mỹ xuống 2 thành phố Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, đã kêu gọi chính phủ nước này ký hiệp ước trên.
Phát biểu ngày 25/10, Thị trưởng thành phố Nagasaki, ông Tomihisa Taue bày tỏ mong muốn Chính phủ Nhật Bản tham gia cuộc họp của các bên ký kết hiệp ước TPNW với tư cách quan sát viên, nếu Tokyo gặp khó khăn trong phê chuẩn.
Nhấn mạnh "Nhật Bản hiểu rõ hơn bất cứ quốc gia nào khác về nỗi kinh hoàng do vũ khí hạt nhân gây ra," ông Taue kêu gọi Chính phủ Nhật Bản đi đầu trong nỗ lực giải trừ loại vũ khí chết chóc này.
Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Hiroshima, ông Kazumi Matsui cho rằng việc thực thi TPNW sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình loại trừ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, theo ông, làm thế nào để hiệp ước này trở nên hiệu quả hơn sẽ là một thách thức tiếp theo, trong bối cảnh các cường quốc hạt nhân vẫn phản đối việc ký kết và phê chuẩn hiệp ước.