Một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản được dự báo sẽ giảm trong tháng 6/2019 sau khi đã tăng hai tháng trước đó, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài gây áp lực lớn cho các nhà sản xuất trên toàn thế giới .
Theo kết quả khảo sát các chuyên gia kinh tế từ Reuters, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 6/2019 giảm 2,0% so với tháng trước đó, sau khi đã tăng 2,3% trong tháng 5 và 0,6% trong tháng 4. Nguyên nhân một phần đến từ lượng hàng tồn trong các kho dự trữ cũng như áp lực điều chỉnh đã tăng lên trong giai đoạn này.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ tại Nhật Bản trong tháng 6/2019 được dự báo sẽ chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, giảm mạnh so với mức tăng 1,3% ghi nhận hồi tháng 5.
[Các công ty lớn tại châu Á đang cắt giảm chi tiêu cho sản xuất]
Chuyên gia Takeshi Minami tại Viện nghiên cứu Norinchukin đánh giá, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản đang trên đà giảm. Điều này có tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và chi tiêu đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo.
Những số liệu gần đây nhất cho thấy, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 6/2019 đã kéo dài chuỗi suy giảm sang tháng thứ bảy liên tiếp. Điều này báo hiệu sức ép từ bên ngoài đang gia tăng đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, trong bối cảnh hoạt động chi tiêu dự kiến sẽ suy yếu trước đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10 tới.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia nhận định Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nhiều khả năng vẫn duy trì chính sách tiền tệ ổn định tại cuộc họp diễn ra vào ngày 29-30/7, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa có động thái tương tự. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda có thể đưa ra các biện pháp kích thích nếu nền kinh tế Nhật Bản không có đủ lực đẩy để đạt được mục tiêu lạm phát 2%./.