Nhật Bản rút quân khỏi lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan

Nhật Bản đã bắt đầu rút quân khỏi Phái bộ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, chấm dứt sứ mệnh giữ gìn hòa bình tại đất nước non trẻ nhất thế giới này.
Nhật Bản rút quân khỏi lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan ảnh 1Binh sỹ Nhật Bản tại buổi lễ ở Tokyo trước khi lên đường tới Nam Sudan. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 17/4, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) của Nhật Bản đã bắt đầu rút quân khỏi Phái bộ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS), chấm dứt sứ mệnh giữ gìn hòa bình tại đất nước non trẻ nhất thế giới này trong 5 năm qua.

Người phát ngôn của UNMISS Daniel Dickinson xác nhận các thiết bị quân sự đầu tiên của quân đội Nhật Bản đã bắt đầu rời khỏi thủ đô Juba vào 17/4 song song với quá trình rút quân của binh sỹ nước này.

Năm 2012, Tokyo đã phái 350 binh sỹ thuộc GSDF tham gia Phái bộ UNMISS nhằm hỗ trợ xây dựng mạng lưới giao thông và phát triển các cơ sở hạ tầng tại đây.

Cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ chấm dứt sự tham gia của Các lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), trong đó có GSDF, vào UNMISS trong bối cảnh Nam Sudan đang bước vào giai đoạn mới của việc xây dựng quốc gia. Sau khi Nhật Bản tuyên bố rút quân đội và chấm dứt nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, Chính phủ Nam Sudan nhận định mối quan hệ song phương giữa Nam Sudan và Nhật Bản sẽ không thay đổi trong tương lai.

Luật pháp Nhật Bản cho phép các binh sỹ SDF tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình chỉ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tham chiến tại quốc gia sở tại được duy trì. Tháng 11/2016, nhiệm kỳ của SDF đã được gia hạn thêm 5 tháng để tiếp tục nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Nam Sudan.

SDF lâu nay bị hạn chế sử dụng vũ khí, trừ trường hợp họ là mục tiêu tấn công. Tuy nhiên, luật an ninh gây tranh cãi được ban hành năm ngoái của Nhật Bản đã mở rộng phạm vi hoạt động của SDF.

[Nhật Bản thông báo chấm dứt nhiệm vụ của SDF tại Nam Sudan]

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định giao cho GSDF thêm nhiệm vụ mới là giải cứu các nhân viên Liên hợp quốc và những người khác bị tấn công kể cả khi GSDF không phải là mục tiêu tấn công trực tiếp. Động thái trên đã làm dấy lên tranh cãi về môi trường an ninh tại Nam Sudan.

Nam Sudan đã rơi vào nội chiến kéo dài kể từ tháng 12/2013, sau khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống, đồng thời là thủ lĩnh phe đối lập, Riek Machar âm mưu đảo chính. Với sự trung gian của Liên hợp quốc và Mỹ, một thỏa thuận hòa bình đã ký kết vào tháng 8/2015 và một chính phủ hòa hợp dân tộc chuyển tiếp được thành lập vào tháng 4/2016, nhưng một lần nữa thỏa thuận hòa bình đã bị đổ vỡ và bạo lực tái bùng phát từ tháng 7/2016 đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục