Nhật Bản 'rộng cửa' đón điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc

Trong bối cảnh Nhật Bản thiếu nhân lực y tế trầm trọng, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục nhận hồ sơ tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản đến hết 31/10.
Nhật Bản 'rộng cửa' đón điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc ảnh 1Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam lên đường sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý Việt Nam của Nhật Bản vẫn tăng cao. 

Trong bối cảnh thị trường Nhật Bản gần như “đóng băng” trong suốt 8 tháng qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức xuất cảnh cho hơn 200 ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản vào hồi giữa tháng 9. Điều này cho thấy Nhật Bản có nhu cầu cao về nhân lực điều dưỡng, hộ lý. 

Chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) được hai nước chính thức triển khai từ năm 2012. Đến nay, chương trình đã đưa được gần 1.900 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản qua 8 khóa. 

Hiện nay, trong bối cảnh không thể đào tạo tập trung do COVID-19, các ứng viên diều dưỡng, hộ lý khóa 9 được tuyển chọn năm 2020 vẫn đang được đào tạo tiếng Nhật bằng hình thức trực tuyến và dự kiến hoàn thành khóa đào tạo vào tháng 12/2021 và xuất cảnh vào giữa năm 2022. 

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết sau khi sang Nhật Bản, những điều dưỡng, hộ lý sẽ được hưởng mức lương vừa học vừa làm tương ứng, khoảng từ 35-39 triệu đồng/tháng. Khi các điều dưỡng, hộ lý đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản thì mức lương cao hơn nhiều.

"Khi đỗ chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng, hộ lý thì họ có thể đổi được visa lao động và làm việc lâu dài tại đây. Những điều dưỡng, hộ lý này có quyền đàm phán mức lương, có quyền lựa chọn các cơ sở y tế, có những phúc lợi đáp ứng yêu cầu của mình,” bà Hà nói.

Đến nay, các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản có những phản ánh rất tốt đối với ứng viên Việt Nam. Tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản của ứng viên Việt Nam cao nhất so với các nước phái cử của chương trình này, ví dụ như Philippines và Indonesia. Tỷ lệ đỗ của ứng viên hộ lý của Việt Nam là hơn 90% và tỷ lệ đỗ của ứng viên điều dưỡng là 70%. Chương trình là điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác về nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản.

[280.000 lao động Việt tại Nhật Bản được tăng lương tối thiểu giờ]

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết Nhật Bản hiện đang thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Trong tháng 10, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang nhận hồ sơ tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản khóa 10 với số lượng chỉ tiêu là 240 người.

Đối tượng tuyển chọn là các bạn trẻ dưới 35 tuổi, tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa. Thời gian nhận hồ sơ đến hết 31/10 và dự kiến tuyển chọn vào trung tuần tháng 11 tới. Các ứng viên được chọn sẽ được hai Chính phủ hỗ trợ toàn bộ chi phí 1 năm học tiếng Nhật, ăn ở và sinh hoạt phí trong quá trình đào tạo. Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được hưởng mức lương từ 160.000-180.000 yên/tháng.

Theo ông Phạm Viết Hương, từ tháng 10, Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 tại Tokyo và 18 tỉnh, đồng thời dỡ bỏ trình trạng bán khẩn cấp tại các vùng còn lại và từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Cùng với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, Nhật Bản đã nới lỏng các quy định về cách ly với khách nhập cảnh đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Các trường hợp đã tiêm phòng vaccine, khi nhập cảnh chỉ cần cách ly tại nhà trong 10 ngày, giảm 4 ngày so với quy định trước đó.

"Với những tín hiệu tích cực trên cho thấy chính phủ Nhật Bản đang nới lỏng từng bước để nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát khả năng trong thời gian tới Nhật Bảnsẽ tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam theo diện thực tập sinh, thực tập kỹ năng đặc định, kỹ thuật viên, kỹ sư, lao động kỹ thuật cao…," ông Phạm Viết Hương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục