Nhật Bản quyết định hoãn thăm dò sao Hỏa đến năm 2026

Theo kế hoạch, tàu vũ trụ Martian Moons eXploration sẽ được phóng vào không gian bằng tên lửa đẩy H3 vào năm 2024, sau đó tiếp cận Sao Hỏa vào năm 2025 để khám phá Phobos và Deimos.

Xe tự hành Curiosity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) di chuyển thành công đến Gediz Vallis Ridge, hệ tầng địa chất quan trọng trên Sao Hỏa. (Ảnh: Ts2.space/TTXVN)
Xe tự hành Curiosity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) di chuyển thành công đến Gediz Vallis Ridge, hệ tầng địa chất quan trọng trên Sao Hỏa. (Ảnh: Ts2.space/TTXVN)

Ủy ban Chính sách Vũ trụ Quốc gia trực thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản đã quyết định hoãn kế hoạch phóng tàu thăm dò Sao Hỏa đến năm 2026, tức chậm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Quyết định này được đưa ra sau khi Nhật Bản thất bại trong vụ phóng thử tên lửa H3 vào tháng Ba năm nay.

Việc điều chỉnh lịch trình này đã được đưa ra trong dự thảo sửa đổi thời gian biểu thực hiện dự án trong khuôn khổ kế hoạch không gian sau khi được ủy ban trên "bật đèn xanh."

Theo kế hoạch ban đầu, tàu vũ trụ Martian Moons eXploration hay MMX sẽ được phóng vào không gian bằng tên lửa đẩy H3 vào năm 2024, sau đó tiếp cận Sao Hỏa vào năm 2025 để khám phá hai mặt trăng của hành tinh Đỏ gồm Phobos và Deimos.

Sứ mệnh của tàu thăm dò là mang các mẫu từ Phobos về Trái Đất trong tài khóa 2029.

Ngoài kế hoạch trên, Nhật Bản lùi thời gian biểu một số sứ mệnh khác như phóng tàu chở hàng tiếp tế không người lái mới HTV-X để vận chuyển hàng hóa đến Trạm vũ trụ quốc tế và dự án LUPEX để hạ cánh một tàu thăm dò gần cực Nam của Mặt Trăng trong dự án hợp tác với Ấn Độ.

Dự kiến, thời gian biểu sửa đổi sẽ được thông qua tại cuộc họp của Trụ sở Chiến lược về Chính sách Vũ trụ quốc gia Nhật Bản trong tháng này.

Nhật Bản ngày 7/3 đã thất bại lần thứ hai trong nỗ lực phóng tên lửa thế hệ mới H3, buộc tên lửa phải kích hoạt chế độ tự hủy.

Tên lửa H3 được phát triển cho các vụ phóng thương mại thường xuyên với hiệu quả chi phí và độ tin cậy tốt hơn.

Tên lửa này được coi là đối thủ cạnh tranh tiềm năng với tên lửa Falcon 9 của Space X./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục