Nhật Bản phóng thành công tàu thăm dò vũ trụ Hayabusa2

Ngày 3/12, Nhật Bản đã phóng thành công tàu thăm dò vũ trụ không người lái Hayabusa2 từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam nước này.
Mô hình tàu vũ trụ Hayabusa2.

Ngày 3/12, Nhật Bản đã phóng thành công tàu thăm dò vũ trụ không người lái Hayabusa2 từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam nước này, thực hiện sứ mệnh du hành đến một tiểu hành tinh cách Trái Đất 300 triệu km để thu thập các mẫu đá.

Tàu Hayabusa2 của Cơ quan thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) được phóng bằng tên lửa đẩy H-2A, trong hành trình hướng tới tiểu hành tinh 1999 JU3 có bề rộng 900m.

Theo JAXA, sau khi được phóng lúc 13 giờ 22 phút (giờ địa phương), đến 15 giờ cùng ngày, Hayabusa2 đã vào được quỹ đạo tương tự quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời.

Tàu sẽ di chuyển một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời, sau đó quay sang Trái Đất vào cuối năm tới, trước khi hướng đến tiểu hành tinh 1999 JU3 và quay hai vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời trên đường đi. JAXA hy vọng Hayabusa2 sẽ mang được những mẫu vật chứa nước và chất hữu cơ, góp phần làm sáng tỏ lịch sử của Thái Dương hệ và nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất.

Dự kiến, tàu Hayabusa2 sẽ đến tiểu hành tinh này vào năm 2018 và trở về Trái Đất vào cuối năm 2020.

Ban đầu JAXA dự kiến phóng tàu Hayabusa2 vào ngày 30/11 song đã phải hoãn 2 lần do thời tiết bất lợi. Được cải tiến so với tàu Hayabusa phiên bản trước, Hayabusa2 với khối lượng khoảng 600 kg bao gồm các động cơ ion bền hơn tạo thêm 25% sức đẩy và một ăng ten đã được nâng cấp để truyền được nhiều dữ liệu hơn về Trái Đất.

Hayabusa chỉ thu thập các mẫu vật từ bề mặt tiểu hành tinh, trong khi Hayabusa2 sẽ sử dụng một máy ép bằng kim loại đào sâu xuống dưới bề mặt hành tinh để tiếp cận các vật chất không bị ảnh hưởng bởi bức xạ Mặt Trời cũng như các vật thể khác.

Năm 2010, tàu Hayabusa đã trở về Trái Đất, lần đầu tiên mang theo các mẫu vật trên bề mặt tiểu hành tinh Itokawa. Sau khi được phóng năm 2003, trong hành trình dài 6 tỷ km, tàu Hayabusa đã đối mặt với nhiều khó khăn như gặp trục trặc động cơ và các con quay hồi chuyển, có lúc mất liên lạc với Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục