Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ hỗ trợ cho các dự án khai thác khí đốt và hóa lỏng khí đốt (LNG) trên biển.
Theo báo Nikkei, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp bảo lãnh tín dụng, hoặc cấp vốn cho các công ty Nhật Bản tham gia các dự án cũng như các các công ty đóng tàu phát triển thiết bị khai thác khí đốt, hóa lỏng khí đốt ngay trên biển.
Tổ chức Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) sẽ đứng ra thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản, bảo lãnh tới 75% giá trị khoản vay cho các công ty Nhật Bản đặt mua thiết bị khai thác, hóa lỏng khí đốt.
JOGMEC cũng sẽ bơm vốn cho công ty Nhật Bản tham gia các dự án khai thác và hóa lỏng khí trên biển. Hiện nay, một số tập đoàn của Nhật Bản đang xúc tiến các kế hoạch khai thác, hóa lỏng khí đốt trên biển tại khu vực Đông Nam Á và vùng biển xung quanh Australia.
Dự kiến đến năm 2016, các dự án mới được vận hành. Tuy nhiên, kinh phí mua thiết bị rất cao, khoảng 300-500 tỷ yen (khoảng 3-5 tỷ USD)/thiết bị nên các doanh nghiệp khó có thể tham gia vào lĩnh vực này.
Các thiết bị khai thác, hóa lỏng khí đốt này có hình dạng giống một tàu khổng lồ, có thể hút khí đốt dưới đáy biển, tách bỏ những tạp chất, hóa lỏng khí đốt và tích trữ LNG trước khi chuyển số LNG này lên tác tàu đặc chủng vận chuyển đi tiêu thụ.
Các thiết bị này có thể di chuyển, thích hợp để khai thác các mỏ khí đốt quy mô nhỏ và khó đầu tư các giàn khoan cố định cũng như tính hiệu quả kinh tế. Sử dụng thiết bị này cũng giúp nhà khai thác không phải đầu tư vào hệ thống ống dẫn khí đốt vào đất liền.
Hiện nay, quy mô đầu tư vào khai thác tài nguyên dưới biển vào khoảng 60 tỷ USD. Do các mỏ khí đốt lớn đang giảm, nên nhu cầu mua thiết bị khai thác, hóa lỏng khí đốt trên biển, có thể di chuyển được sẽ tăng nhanh chóng.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng việc khai thác và hóa lỏng khí đốt ngay trên biển là lĩnh vực có triển vọng phát triển. Bằng sự hỗ trợ của chính phủ, các công ty Nhật Bản sẽ nắm được ưu thế kỹ thuật, công nghệ, thiết bị và giành ưu thế trong lĩnh vực này trong tương lai.
Các công ty công nghiệp Nhật Bản có ưu thế công nghệ trong lĩnh vực này, như Công ty đóng tàu Mitsui có thể chế tạo những tàu khai thác vận hành ổn định và công ty IHI có công nghệ chế tạo các thiết bị chuyên dụng cho phép hóa lỏng khí đốt ngay trong điều kiện sóng gió./.