Chính phủ Nhật Bản gần đây đã thông qua chính sách chống phát triển vũ khí sát thương tự động hoàn toàn, cho rằng những vũ khí như vậy không bao giờ được phép sử dụng trên toàn thế giới.
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết bộ này đã đệ trình một văn bản nêu rõ quan điểm của Tokyo về các hệ thống vũ khí sát thương tự động (LAWS) lên Liên hợp quốc hồi tháng 5 năm nay, nhấn mạnh nguyên tắc "lấy con người làm trung tâm" cần được duy trì và các công nghệ mới nổi cần được sử dụng "một cách có trách nhiệm."
Theo văn bản đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao, Nhật Bản khẳng định cần có sự tham gia của con người, vì con người có thể phải chịu trách nhiệm theo luật nhân đạo quốc tế.
Nhật Bản tin rằng hiện tại không có gì đảm bảo rằng LAWS sẽ được sử dụng theo luật nhân đạo quốc tế và nước này “không có ý định phát triển” những loại vũ khí như vậy.
Tuy nhiên, văn bản cũng đề cập đến một số lợi ích tiềm năng của vũ khí tự động như giảm sai sót của con người và giải quyết tình trạng thiếu nhân lực vào thời điểm Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng thành viên mới.
Nhật Bản cũng lần đầu tiên định nghĩa LAWS là các hệ thống “một khi được kích hoạt, có thể xác định, lựa chọn và tấn công các mục tiêu bằng vũ lực gây sát thương mà không cần người điều khiển can thiệp thêm."
Mối lo ngại trên toàn cầu về việc sử dụng vũ khí tự động đang gia tăng và động lực thiết lập các quy định cũng đang tăng lên trong bối cảnh việc sử dụng thiết bị bay không người lái với mục đích tấn công đã trở nên phổ biến trong các cuộc xung đột hiện nay.
Dự kiến, sau khi thu thập ý kiến trên toàn cầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ công bố báo cáo về LAWS trong mùa Hè này.
Hồi tháng 12/2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết nhấn mạnh “nhu cầu cấp thiết của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết những thách thức và mối lo ngại do các hệ thống vũ khí tự động gây ra”./.