Nhật Bản phản đối Hàn Quốc đưa tranh cãi thương mại lên WTO

Nhật Bản khẳng định nước này hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc không cấu thành một lệnh cấm hay trở thành một vấn đề thích hợp để đưa ra thảo luận ở WTO.
Đại sứ Nhật Bản tại Thụy Sĩ Junichi Ihara. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 24/7, Nhật Bản khẳng định với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng biện pháp của nước này hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc dựa trên các mối lo ngại về an ninh quốc gia và không cấu thành một lệnh cấm hay trở thành một vấn đề thích hợp để đưa ra thảo luận ở WTO.

Phát biểu tại cuộc họp của WTO, Đại sứ Nhật Bản tại Geneva (Thụy Sĩ) Junichi Ihara  nói: "Trước hết, biện pháp được Hàn Quốc đề cập tới là dựa trên hệ thống kiểm soát xuất khẩu vì an ninh quốc gia, và không phải là chương trình nghị sự thích hợp cho WTO."

Trước đó, ngày 23/7, WTO đã bắt đầu tiến hành cuộc họp kéo dài hai ngày, trong đó có thảo luận vấn đề Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc.

Vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự tại cuộc họp của Đại hội đồng WTO - cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của tổ chức này, theo đề nghị của Hàn Quốc do Seoul lo ngại các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có thể ảnh hưởng tới các nhà sản xuất của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix.

Trong một cuộc họp của WTO về thương mại hàng hóa vào ngày 9/7, Đại sứ Hàn Quốc tại Geneva Paik Ji-ah đã kêu gọi rút lại những hạn chế thương mại, trong khi ông Junichi Ihara cho biết Tokyo tuân thủ những quy định của WTO và không gây ra những vấn đề thương mại.

[WTO thảo luận về mâu thuẫn thương mại Hàn Quốc-Nhật Bản]

Từ ngày 4/7 vừa qua, Nhật Bản đã siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).

Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.

Hàn Quốc cáo buộc đây là động thái của Nhật Bản nhằm gây sức ép giải quyết mâu thuẫn song phương về vấn đề lao động thời chiến. Tuy nhiên, Tokyo luôn khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh.

Mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gia tăng phát sinh từ các quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD.

Tuy nhiên, phia Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.

Tháng 1/2019, Nhật Bản đã yêu cầu giải quyết vấn đề bằng các kênh ngoại giao, nhưng phía Hàn Quốc không chấp thuận và khẳng định vấn đề này phải do cơ quan tư pháp giải quyết.

Cùng ngày, một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 22/7, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Washington không có ý định làm trung gian hòa giải giữa Tokyo và Seoul về vấn đề lao động thời chiến và chính sách thương mại.

Ông Bolton đã bày tỏ lo ngại rằng bất đồng giữa hai nước có thể gây rạn nứt trong liên minh an ninh ba bên trong bối cảnh các bên đang nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đồng thời yêu cầu Tokyo và Seoul tự giải quyết các bất đồng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục