Nhật Bản nỗ lực đào tạo thế hệ kế cận để bảo vệ nghề sơn mài truyền thống

Từ xa xưa, nhiều cây sơn mài đã mọc tự nhiên quanh Sông Appi ở Iwate, và là một trong những vùng sản xuất đồ sơn mài lớn nhất Nhật Bản, đồ sơn mài đã được sản xuất tại đây từ khoảng 1.300 năm trước.
Các học viên học nghề tại Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật Ashiro Urushi. (Ảnh: Cơ quan thường trú Tokyo)

Tỉnh Iwate là địa phương sản xuất sơn mài lớn nhất Nhật Bản, có lịch sử từ thời cổ đại.

Từ xa xưa, nhiều cây sơn mài đã mọc tự nhiên quanh Sông Appi ở Iwate, và là một trong những vùng sản xuất đồ sơn mài lớn nhất Nhật Bản, đồ sơn mài đã được sản xuất tại đây từ khoảng 1.300 năm trước.

Tuy nhiên, với việc sử dụng rộng rãi các đồ đựng bằng nhựa sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ngành công nghiệp đồ sơn mài đã suy giảm và số lượng nghệ nhân cũng giảm theo.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng này, Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật Ashiro Urushi đã được thành lập tại thành phố Hachimantai vào năm 1983, với mục tiêu truyền lại truyền thống sản xuất đồ sơn mài cho thế hệ tiếp theo.

Kể từ khi thành lập cách đây hơn 40 năm, trung tâm đã đào tạo các nghệ nhân làm đồ sơn mài. Thay vì phương pháp học nghề cổ điển là học viên học nghề bằng cách quan sát thầy của mình, trung tâm có những giảng viên lành nghề hướng dẫn học viên, giúp họ có thể học được các kỹ thuật cần thiết chỉ trong hai năm.

Chị Shiho Saito, thợ thủ công sơn mài tại cửa hàng Appi Urushi, đang thực hiện công đoạn sơn mài trên bát gỗ. (Ảnh: Cơ quan thường trú Tokyo)

Chị Shiho Saito, thợ thủ công sơn mài tại cửa hàng Appi Urushi, là một học viên được đào tạo nghề tại Ashiro Urushi. Chị cho biết chị được đào tạo từ con số 0. Chị được học tất cả các kỹ năng về làm sơn mài, như tự làm cho mình bộ dụng cụ riêng, ví dụ như là bàn chải để quét sơn hoặc phải nhận biết được rõ ràng tỷ lệ trộn sơn để có thể sơn được.

Chị thừa nhận phần việc khó nhất là trộn sơn, mà cho đến bây giờ mặc dù đã trở thành thợ tại cửa hàng Appi Urushi, chị vẫn phải thận trọng. Việc nhận biết độ ẩm và nhiệt độ phù hợp để điều chỉnh nhiệt phụ thuộc vào cảm nhận của thợ vì vậy đây là công đoạn khó.

Khi hỏi về lý do chọn nghề sơn mài, chị vui vẻ cho biết Iwate là nơi chị sinh ra và lớn lên. Chị từng làm việc ở một thành phố lớn khác và tại đó vô tình chị được người quen cho biết về sản phẩm của quê hương mình. Với mong muốn để sản phẩm của quê hương có thêm người biết đến, chị trở về quê hương, theo đuổi công việc này.

Công đoạn đánh bóng bề mặt gỗ. (Ảnh: Cơ quan thường trú Tokyo)

Tổng cộng đã có 80 học viên tốt nghiệp trung tâm cho đến nay và hiện họ đang làm việc trên khắp Nhật Bản với tư cách là nghệ nhân làm đồ sơn mài. Trung tâm do chính quyền thành phố Hachimantai điều hành và các học viên có thể học cách vẽ sơn mài miễn phí tại đây.

Năm 1999, Studio Appi Urushi được mở ra như một nơi tuyển dụng những học viên tốt nghiệp của trung tâm. Bốn người phụ nữ tốt nghiệp trung tâm làm đồ sơn mài tại đây với những thiết kế đơn giản phù hợp với lối sống hiện đại.

Chị Risa Kudo, Giám đốc Cửa hàng Appi Urushi, giới thiệu sản phẩm của cửa hàng mang phong cách giản dị, không vẽ tranh. Theo chị, một sản phẩm có phong cách giản dị sẽ có thời gian sử dụng được lâu và có thể dùng để bày trí cho bất cứ món ăn nào.

Cửa hàng Appi Urushi giới thiệu sản phẩm của cửa hàng mang phong cách giản dị. (Ảnh: Cơ quan thường trú Tokyo)

Sản phẩm sơn mài của cửa hàng đang rất được ưa chuộng tại Nhật Bản nhưng khi đề cập đến việc bán sản phẩm này ở nước, ngoài chị thừa nhận hạn chế về nhân công đã cản trở điều này. Chị cho biết nhân công chỉ có 4 người và công việc hoàn toàn là thủ công, tốn nhiều thời gian cho nên sản lượng thấp, có lúc không kịp đáp ứng nhu cầu trong nước.

Cửa hàng Appi Urushi được thành lập bởi Thị trấn Appi (nay đã sáp nhập vào Hachimantai), và sau khi điều hành studio như một nỗ lực công-tư, hiện nay được điều hành bởi Hiệp hội Studio Appi Urushi. Hoạt động của trung tâm và studio có thể được coi là một sáng kiến bền vững, lâu dài được thực hiện thông qua sự hợp tác công-tư.

Đây là một ví dụ tích cực về việc chính quyền địa phương chủ động truyền lại các ngành công nghiệp truyền thống địa phương cho các thế hệ sau trong thời gian dài. Ông Fumitaka Fujiwara, người đã giảng dạy tại trung tâm kể từ khi thành lập, chắc chắn rằng trung tâm sẽ đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp đồ sơn mài của Nhật Bản nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục