​Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết của công tác điều dưỡng do dân số già hóa

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, với tỷ lệ cứ 1 trong 5,6 người trên 65 tuổi mắc chứng mất trí nhớ, đến năm 2060 tại nước này sẽ có tổng cộng 6,45 triệu người mắc chứng bệnh trên.

Người cao tuổi đi bộ trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản ngày 18/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người cao tuổi đi bộ trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản ngày 18/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 8/5, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ước tính đến năm 2060 khoảng 20% số người trên 65 tuổi ở nước này có thể mắc chứng mất trí nhớ.

Điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường công tác điều dưỡng, đưa ra các biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh dân số Nhật Bản già hóa.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, với tỷ lệ cứ 1 trong 5,6 người trên 65 tuổi mắc chứng mất trí nhớ, đến năm 2060 tại nước này sẽ có tổng cộng 6,45 triệu người mắc chứng bệnh trên.

Con số này giảm so với mức 8,5 triệu người được dự đoán trong nghiên cứu trước đó vào năm 2015, cho thấy tác dụng của việc thay đổi lối sống như cải thiện chế độ ăn uống và bỏ hút thuốc.

Bên cạnh đó, bộ trên còn ước tính khoảng 6,32 triệu người sẽ phát triển các triệu chứng sớm của căn bệnh mất trí nhớ, còn được gọi là suy giảm nhận thức nhẹ. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra ước tính về số người mắc suy giảm nhận thức nhẹ.

Bộ trên cũng dự báo số người mất trí nhớ ở Nhật Bản sẽ tăng lên 5,32 triệu người vào năm 2030 và lên đến 5,84 triệu người vào năm 2040 - thời điểm số người trên 65 tuổi ở nước này dự kiến đạt đỉnh.

Trước tình hình trên, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ những người mắc chứng mất trí nhớ.

Trước đó, Nhật Bản đã ban hành luật, có hiệu lực vào tháng 1/2024, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho những người mắc bệnh liên quan đến suy giảm khả năng nhận thức để cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự tham gia xã hội của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục