Theo Kyodo, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/1 đã nhất trí tăng cường nỗ lực để hạn chế trợ cấp công nghiệp và chuyển giao công nghệ bắt buộc, dường như nhắm vào các chính sách và thực tiễn theo định hướng phi thị trường của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp tại Washington, các bộ trưởng thương mại ba bên cho biết họ đã chỉ thị cho cấp dưới hoàn thiện công việc dựa trên văn bản ba bên về trợ cấp công nghiệp vào mùa Xuân để thu hút các nền kinh tế lớn khác tham gia sáng kiến này.
Tuyên bố cho biết các bộ trưởng cũng cam kết tăng cường hợp tác trong việc kiểm soát chuyển giao công nghệ bắt buộc thông qua kiểm soát xuất khẩu, xây dựng các quy tắc mới và xem xét đầu tư vì mục đích an ninh quốc gia.
[Châu Âu muốn Trung Quốc cụ thể hóa cam kết mở cửa thị trường]
Tuyên bố nhấn mạnh: "Các bộ trưởng đã tăng cường thảo luận về mục tiêu chung nhằm giải quyết các chính sách và thực tiễn theo định hướng phi thị trường của các nước thứ ba vốn dẫn đến tình trạng dư thừa trầm trọng, tạo điều kiện cạnh tranh không công bằng cho công nhân và doanh nghiệp của họ, cản trở sự phát triển và sử dụng các công nghệ đổi mới, đồng thời làm suy yếu chức năng đúng đắn của thương mại quốc tế, trong đó có nơi các quy tắc hiện hành không hiệu quả."
Các quan chức ba bên đã nhất trí đi đầu trong việc thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - những vấn đề mà Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết ông sẽ đưa ra khi ông chủ trì cuộc họp cấp Bộ trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về thương mại và kinh tế kỹ thuật số dự kiến diễn ra từ ngày 8-9/6 tới tại Tsukuba, tỉnh Ibaraki của Nhật Bản.
Cuộc họp ba bên này cũng đã thu hút sự tham gia của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ủy viên Thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom.
Tuyên bố trên nêu rõ: "Các bộ trưởng đã khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác trong tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số và tăng cường môi trường kinh doanh thông qua việc thúc đẩy bảo mật dữ liệu"./.