Nhật Bản muốn đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam

Với mong muốn đưa những sản phẩm thủy sản chất lượng của Nhật Bản đến với người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm giải pháp về công nghệ để hạ giá thành sản phẩm.
Nhật Bản muốn đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam ảnh 1Các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản nổi tiếng về chất lượng tươi ngon. (Nguồn: uon.co.jp)

Ngày 20/2, hơn 30 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hàng đầu Nhật Bản đã tham gia chương trình kết nối thương mại Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực thực phẩm, thủy sản do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một trong những chương trình xúc tiến xuất khẩu có quy mô lớn của ngành thủy sản Nhật Bản được tổ chức tại Việt Nam.

Ông Kazuhiro Takahashi, Giám đốc Phòng thực phẩm, nông lâm thủy sản của JETRO cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng nhất của Nhật Bản trong khu vực châu Á.

Thủy sản Nhật Bản có lợi thế riêng về hương vị đặc trưng, công nghệ chế biến hiện đại, đảm bảo sự an toàn và tươi ngon so với thủy sản các nước khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng yêu thích và có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn các món ăn của Nhật Bản.

Theo ông Kazuhiro Takahashi, trở ngại lớn nhất của thủy sản Nhật Bản khi tiếp cận thị trường Việt Nam là giá cả khá cao so với thủy sản nội địa.

Với mong muốn đưa những sản phẩm thủy sản chất lượng của Nhật Bản đến với đông đảo người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm giải pháp về công nghệ để hạ giá thành sản phẩm.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đặt kỳ vọng vào sức tiêu thụ của thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Ông Katsuya Uchida, đại diện Công ty Kyokuyo cho biết, Việt Nam đang chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Công ty; trong đó, cá hồi và cá ngừ là hai sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay Công ty vẫn phải xuất khẩu thông qua doanh nghiệp trung gian, khiến thủy sản Nhật Bản có giá thành cao và khó cạnh tranh với các nước khác.

Thông qua các chương trình kết nối thương mại, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được gặp gỡ trực tiếp với nhà phân phối tại Việt Nam để cắt giảm chi phí bảo quản và rút ngắn thời gian vận chuyển.

Theo bà Lê Vân Mây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lotus Group, phần lớn khách hàng Việt Nam đánh giá cao chất lượng và hương vị thủy sản của Nhật Bản. Do đó, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này tại Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Đây không chỉ là điều kiện tốt để doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh đối với sản phẩm thủy sản chất lượng cao.

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Nhật Bản là một trong những đối tác truyền thống và có đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành chế biến thủy sản của Việt Nam.

Việc Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào Việt Nam sẽ tạo thêm cơ hội sử dụng sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, đồng thời tạo động lực để doanh nghiệp thủy sản trong nước học hỏi công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam.

Ước tính giá trị xuất khẩu thủy sản Nhật Bản sang Việt Nam đạt 20 tỷ yên/năm, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông lâm thủy sản của Nhật Bản tại thị trường Việt Nam; trong đó, các sản phẩm thủy sản đã qua chế biến, cá hồi và cá ngừ là những mặt hàng chiếm ưu thế cả về số lượng và giá trị xuất khẩu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục