Nhật Bản mong muốn đóng góp tích cực vào thành công của APEC

Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho các cuộc thảo luận của APEC, tiếp tục hợp tác cũng như ủng hộ một cách toàn diện để hội nghị tại Việt Nam thành công tốt đẹp.
Nhật Bản mong muốn đóng góp tích cực vào thành công của APEC ảnh 1Ông Tsutomu Koizumi. (Nguồn: Vietnam News)

Nhân dịp Việt Nam đóng vai trò nền kinh tế chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Tsutomu Koizumi, Phó Cục trưởng Cục Các vấn đề kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Phó Cục trưởng Koizumi cho biết Nhật Bản kỳ vọng lớn vào sự lãnh đạo của Việt Nam trong vai trò là nền kinh tế chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Ông Koizumi khẳng định với tư cách là một nền kinh tế thành viên, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho các cuộc thảo luận của APEC, tiếp tục hợp tác cũng như ủng hộ một cách toàn diện để hội nghị tại Việt Nam thành công tốt đẹp.

Đánh giá về đóng góp của Việt Nam trong toàn bộ tiến trình hợp tác APEC cũng như vai trò là chủ nhà tổ chức hội nghị cấp cao APEC năm 2017, ông Koizumi nhận định Việt Nam được đánh giá cao trong nỗ lực thực hiện trọng trách của nền kinh tế đóng vai trò chủ trì hội nghị quốc tế của APEC. Ông ghi nhận công tác tổ chức của Việt Nam và cho rằng các hội nghị APEC đã có thành công lớn xét về thực chất.

Theo ông Koizumi, Việt Nam đảm nhận vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực cơ bản của các vấn đề chính mà APEC đang đối mặt ngày nay. Ví dụ, Khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) là sáng kiến được đề xuất vào năm 2006, thời điểm Việt Nam đảm nhận vai trò nền kinh tế chủ nhà tại Hội nghị Cấp cao APEC 2006.

Theo quan chức ngoại giao Nhật Bản, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng, kể từ khi được thành lập vào năm 1989, APEC đã gặt hái được các thành quả lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm cả việc hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của APEC chiếm tới 60% GDP thế giới, khoảng 44.300 tỷ USD; APEC chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch thương mại của thế giới, khoảng 17.800 tỷ USD và các thành viên APEC chiếm tới 40% tổng dân số thế giới với 2,84 tỷ người.

Các nỗ lực liên tục của APEC đã đóng góp cho một khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển như ngày nay. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi với sự xuất hiện các ngành dịch vụ, thương mại kỹ thuật số và chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trên thế giới, APEC đang đóng vai trò ngày một quan trọng hơn trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư trên thế giới.


[Nhật đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong vai trò chủ nhà APEC 2017]

Trên cơ sở hoạt động với các nguyên tắc hành động tự nguyện, đồng thuận và hợp tác khu vực mở, APEC đã thúc đẩy các sáng kiến trong nỗ lực giải quyết các thách thức mới của thế giới. Nhận định này được ông Koizumi đưa ra khi đề cập đến cơ hội và thách thức của APEC trong bối cảnh Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ ưu tiên tập trung vào các hướng gồm thúc đẩy việc thực thi các sáng kiến theo các chủ trương thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo; tăng cường liên kết kinh tế khu vực; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số và cuối cùng là tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, theo ông Koizumi, việc tổ chức đối thoại doanh nghiệp công-tư với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp và nêu lên các vấn đề này trong tiến trình đối thoại giữa Hội nghị cấp cao APEC và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) để từ đó áp dụng một cách hiệu quả các ý kiến đó cho quá trình hoạch định chính sách cũng là một ưu điểm quan trọng của APEC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục