Nhật Bản: "Mỏ vàng đảo Sado" được công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Mỏ vàng Sado được khai thác dưới sự quản lý trực tiếp của Mạc Phủ, chính quyền tối cao thời kỳ Edo, từ đầu thế kỷ 17 tới giữa thế kỷ 19 và đóng vai trò là một nguồn ngân khố quốc gia quan trọng.

Mỏ vàng đảo Sado. (Nguồn: Kyodo)
Mỏ vàng đảo Sado. (Nguồn: Kyodo)

Ngày 27/7, Di tích “Mỏ vàng đảo Sado” ở tỉnh Niigata của Nhật Bản đã chính thức được bổ sung vào Danh sách Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Như vậy, cho đến thời điểm này, Nhật Bản đang có 26 di sản thế giới, trong đó 21 di sản văn hóa và 5 di sản thiên nhiên.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ quyết định trên được đưa ra trong phiên họp thứ 46 của UNESCO diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 27/7.

Di tích “Mỏ vàng đảo Sado” là di sản văn hóa độc đáo, đại diện cho giai đoạn cuối cùng của việc khai thác và sản xuất vàng thủ công truyền thống kéo dài từ cuối thời kỳ Mạc phủ Tokugawa đến giữa thế kỷ 19.

Nhật Bản hy vọng việc công nhận di tích này là di sản văn hóa thế giới sẽ mang lại cơ hội để người dân trong nước và quốc tế đến thăm đảo Sado và tìm hiểu về giá trị văn hóa mà nó mang lại.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng đã gửi thông điệp nhấn mạnh đây là tin vui mà người dân Nhật Bản nói chung và người dân thành phố Sado, tỉnh Niigata, nói riêng đã chờ đời suốt 14 năm kể từ khi gửi đề nghị lên UNESCO.

Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực hỗ trợ và phối hợp với chính quyền địa phương để đảo bảo rằng “kho báu” của không chỉ Nhật Bản mà còn của toàn thể nhân loại có thể tiếp tục được bảo tồn và lưu truyền cho thế hệ sau.

Mỏ vàng đảo Sado, bao gồm Mỏ vàng và bạc Aikawa Tsuruko và Mỏ vàng cát Nishimikawa, có tuổi đời trên 400 năm. Vào thời kỳ hoàng kim nhất, sản lượng khai thác tại mỏ Sado mỗi năm đạt khoảng 440kg vàng, và 400.000 tấn bạc.

Mỏ vàng Sado được khai thác dưới sự quản lý trực tiếp của Mạc Phủ, chính quyền tối cao thời kỳ Edo, từ đầu thế kỷ 17 tới giữa thế kỷ 19 và đóng vai trò là một nguồn ngân khố quốc gia quan trọng.

Việc công nhận Mỏ vàng đảo Sado là Di sản văn hóa thế giới bắt buộc phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên của UNESCO, trong đó có Hàn Quốc. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc từng phản đối quyết định của Nhật Bản đề xuất Mỏ vàng đảo Sado vào danh sách Di sản văn hóa thế giới với lý do địa điểm này là chứng tích của quá trình người Hàn Quốc bị ép buộc phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.

Tuy nhiên, trải qua nhiều lần tham vấn song phương, phía Hàn Quốc đã nhất trí với đề xuất của Nhật Bản với với điều kiện Tokyo phải có những biện pháp để làm rõ toàn bộ lịch sử của di tích này.

Thông báo của Chính phủ Nhật Bản ngày 27/7 nêu rõ Nhật Bản ghi nhớ và cam kết thực hiện tất cả các nghị quyết liên quan của UNESCO, đồng thời ghi nhận chân thành những đóng góp của tất cả công nhân từng làm việc tại Mỏ vàng đảo Sado, bao gồm những người lao động đến từ bán đảo Triều Tiên.

Nhật Bản sẽ tăng cường chiến lược tuyên truyền để đảm bảo bao quát toàn bộ thông tin lịch sử của di tích này. Một sự kiện tưởng nhớ tất cả những công nhân của Mỏ vàng đảo Sado cũng dự kiến sẽ được tổ chức tại địa điểm này hằng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục