Theo tờ Nikkei, Nhật Bản đang tìm mọi cách thu thập đất hiếm từ khắp nơi trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp kỹ thuật cao nước này.
Trước đây, Nhật Bản phụ thuộc chủ yếu vào thị trường đất hiếm của Trung Quốc, nhưng hiện nay Tokyo đang hướng tới các thị trường nước ngoài. Thống kê sơ bộ cho thấy từ đầu năm 2012, hoạt động nhập khẩu đất hiếm của Nhật Bản từ Trung Quốc lần đầu tiên đã giảm xuống dưới 50% so với năm 2000. Điều này cho thấy chính sách ngoại giao tài nguyên nhất quán của Nhật Bản đang được tăng lên.
Trung Quốc được xem là nước nắm giữ số lượng đất hiếm lớn nhất thế giới. Kể từ nửa cuối năm 2000, nước này đã đưa vấn đề bảo đảm môi trường vào chính sách tài nguyên, từ đó tăng cường quản lý xuất khẩu mặt hàng này.
Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng việc mở rộng nguồn cung đất hiếm ngoài thị trường Trung Quốc như Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài. Điều này đã được thể hiện qua lượng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2012 của Nhật Bản từ Trung Quốc là 3.007 tấn, chiếm 49,3% tổng lượng đất hiếm nhập khẩu và giảm mạnh so với con số 90% cùng kỳ năm 2009.
Theo kế hoạch, kể từ năm 2013, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cơ bản nhập khẩu nguồn đất hiếm từ các mỏ khai thác ở nước ngoài mà nước này được ưu tiên. Những nước mà doanh nghiệp Nhật Bản có được quyền ưu tiên là Australia, Kazakhstan, Ấn Độ và Việt Nam.
Ước tính, tổng số đất hiếm Nhật Bản có thể nhập khẩu từ 4 thị trường này đạt 16.500 tấn/năm. Phần lớn đất hiếm này là loại nhẹ như serium hay neodymium dùng cho nam châm chịu lực…
Nguồn cung từ các thị trường này sẽ đáp ứng ổn định từ 60-80% nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đó, cùng với việc tái sử dụng các nguồn đất hiếm, kế hoạch đảm bảo tỷ lệ cung cấp ổn định 50% mà chính phủ Nhật Bản đề ra được cho là điều hoàn toàn khả thi.
Vấn đề còn lại đối với Nhật Bản là việc bảo đảm nguồn cung đối với lượng đất hiếm thể nặng. Dạng đất hiếm dysprosium quan trọng cho việc chế tạo nam châm dùng cho môtơ điện gia dụng và ô tô hiện nay Nhật Bản vẫn còn phụ thuộc tới 90% vào thị trường Trung Quốc. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản cho biết, Nhật Bản sẽ bắt đầu khai thác đất hiếm thể nặng tại bang Quebec của Canada cùng với một doanh nghiệp địa phương. Theo kế hoạch, nguồn cung cấp đất hiếm quan trọng này sẽ bảo đảm trong vòng 15 năm song việc vận chuyển mặt hàng này về Nhật Bản sẽ mất rất nhiều thời gian.
METI cũng cho biết kể từ năm 2011, Nhật Bản đã thám hiểm các mỏ đất hiếm dưới biển tại những khu vực được cho có nhiều nguồn đất hiếm dạng nặng. Bộ này cũng dự định sẽ thám hiểm tại các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và có thể kết hợp với các doanh nghiệp cùng tiến hành để đảm bảo kinh phí hoạt động.
Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang nghiên cứu công nghệ nhằm giảm bớt tiêu thụ đất hiếm dạng nặng trong quá trình chế tạo sản phẩm. Toshiba cho biết đã phát triển loại nam châm sử dụng đất hiếm có nhiều ở thị trường Mỹ và Australia. Loại nam châm này có tính năng tương tự với loại dùng đất hiếm dạng nặng dysprosium. Hãng Honda cũng cho biết, trong năm 2012 sẽ tái sử dụng đất hiếm từ pin nikel dùng cho xe lai tiết kiệm nhiên liệu.
METI cho biết, cùng với chính sách bảo đảm ưu tiên đất hiếm từ nước ngoài, bộ này sẽ hỗ trợ cho việc nghiên cứu công nghệ không sử dụng đất hiếm dạng nặng như dysprosium. Ngoài ra, mục tiêu tiêu thụ dạng đất hiếm này của Nhật Bản trong 2 năm tới cũng sẽ giảm một nửa, xuống còn khoảng 300 tấn mỗi năm./.