Nếu bạn đặt một chiếc bánh khoai tây croquette thịt bò Kobe đông lạnh tại Asahiya, một cửa hàng bán thịt ở thành phố Takasago, tỉnh Hyogo, miền Tây Nhật Bản, thì phải đến 30 năm nữa bạn mới có thể nhận được hàng.
Nhiều người đọc đến đây đã hiểu lầm đó là một lỗi đánh máy. Nhưng trên thực tế, con số chính xác ở đây đúng là 30 năm.
Được thành lập từ năm 1926, Asahiya bán các sản phẩm thịt của tỉnh Hyogo, bao gồm cả thịt bò Kobe. Nhưng phải đến thời điểm đầu những năm 2000, món bánh khoai tây thịt bò chiên giòn này mới trở thành cơn sốt trên mạng, là nguyên nhân dẫn đến việc người mua hàng phải chờ đợi lâu đế mức kỳ quặc này.
Một ý tưởng kinh doanh không có lãi
Shigeru Nitta, chủ sở hữu đời thứ ba của Asahiya, giải thích: “Chúng tôi bắt đầu bán sản phẩm của mình trên các kênh mua sắm trực tuyến vào năm 1999. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã bắt đầu bán loại Extreme Croquettes để giúp mọi người có cơ hội ăn thử loại thịt bò hảo hạng này..”
Lớn lên ở Hyogo, từ khi còn nhỏ, Nitta đã cùng bố mình đến thăm các trang trại chăn nuôi địa phương và các buổi đấu giá thịt bò.
Ông tiếp quản cửa hàng từ bố mình vào năm 1994 khi vừa 30 tuổi.
Sau khi thử nghiệm bán hàng trực tuyến trong một vài năm, ông nhận thấy khách hàng mua hàng qua mạng thường do dự mỗi khi phải trả quá nhiều tiền cho loại thịt bò hảo hạng. Đó là lúc ông đưa ra một quyết định táo bạo.
Nitta cho biết: “Chúng tôi đã bán Extreme Croquettes với giá 270 yen (1,8 USD) mỗi miếng… Trong đó, riêng thịt bò đã có giá 400 yen (2,7 USD) mỗi miếng. Chúng tôi đã làm ra những chiếc bánh croquette ngon với giá vừa phải, và sau đó hy vọng rằng họ sẽ mua thịt bò Kobe của chúng tôi ngay sau lần thử đầu tiên.”
Để hạn chế tổn thất tài chính trong thời gian đầu, Asahiya chỉ sản xuất 200 chiếc bánh croquette mỗi tuần trong nhà bếp bên cạnh cửa hàng.
[Bí mật ẩn chứa bên trong những trái dâu tây mọng nước của Nhật Bản]
“Chúng tôi bán thịt bò được chăn nuôi bởi chính những người chúng tôi biết. Cửa hàng của chúng tôi chỉ bán thịt được sản xuất tại Hyogo, cho dù đó là thịt bò Kobe, thịt lợn Kobe hay thịt gà Tajima. Đây là phong cách riêng của nhà hàng từ trước khi tôi trở thành chủ sở hữu nó,” Nitta nói.
Trước đây, ông nội của Nitta đã từng đạp xe đến Sanda, một khu vực chăn nuôi bò Wagyu nổi tiếng khác tại Hyogo để tự mình lấy sản phẩm.
Nitta cho biết thêm: “Khoảng thời gian đó, cửa hàng của chúng tôi kinh doanh với các nhà sản xuất thịt bò ở địa phương, do đó chúng tôi không lấy các sản phẩm thịt từ tỉnh khác.”
Tăng số lượng, tăng danh tiếng
Chiếc bánh giá rẻ Exetreme Croquettes có chất lượng tuyệt hảo. Chúng được làm tươi hằng ngày, không có chất bảo quản. Thành phần bánh bao gồm thịt bò Kobe 3 tuổi được xếp hạng A5 và khoai tây được trồng ở một trang trại địa phương.
Nitta cho biết ông đã khuyến khích trang trại sử dụng phân bò để bón khoai tây. Phần thân của cây khoai sau đó được dùng để cho bò ăn, tạo thành một chu trình khép kín.
Cuối cùng, những chiếc bánh độc đáo này đã bắt đầu được người dân địa phương và giới truyền thông chú ý.
Khi một bài báo viết về món bánh croquette của Asahiya được xuất bản vào đầu những năm 2000, mức độ nổi tiếng của nó đã tăng vọt.
“Chúng tôi đã ngừng bán chúng vào năm 2016 bởi thời gian chờ đợi đơn hàng đã lên tới 14 năm. Chúng tôi đã nghĩ tới việc dừng đặt hàng, nhưng lại nhận được nhiều cuộc gọi yêu cầu hãy tiếp tục bán loại bánh đó,” Nitta nói.
Do đó, năm 2017, Nitta tiếp tục nhận đơn đặt hàng cho Exetreme Croquettes, nhưng buộc phải tăng giá, “Vào thời điểm đó, chúng tôi đã tăng giá lên 500-540 yen (3,4-3,7USD) kèm theo thuế tiêu thụ. Nhưng kể từ khi thịt bò Kobe bắt đầu được xuất khẩu, giá thịt bò đã tăng gấp đôi. Do đó trên thực tế là việc bán bánh croquette vẫn bị lỗ,” Nitta nói.
Số lượng bánh được sản xuất cũng tăng từ 200 chiếc một tuần lên 200 chiếc một ngày.
“Trên thực tế, Extreme Croquettes còn phổ biến hơn nhiều so với các sản phẩm khác,” Nitta cười khi nói về ý tưởng kinh doanh thua lỗ của chính mình.
“Mọi người khuyên chúng tôi nên thuê thêm người và làm bánh croquette nhanh hơn, nhưng tôi nghĩ không có chủ cửa hàng nào thuê thêm người và sản xuất nhiều hơn chỉ để chịu lỗ nhiều hơn… Tôi cảm thấy tiếc vì đã để họ phải chờ đợi. Tôi muốn làm bánh croquette thật nhanh và gửi chúng càng sớm càng tốt. Nhưng nếu làm thế, cửa hàng chúng tôi sẽ phá sản mất.”
May mắn thay, Nitta cho biết khoảng một nửa số người ăn thử món croquette sau đó đã đặt mua thịt bò Kobe của họ, vì vậy có thể cho rằng đó là một chiến lược tiếp thị đúng đắn.
Sứ mệnh của Nitta: Để nhiều người được thưởng thức thịt bò Kobe hơn
Một hộp Extreme Croquettes, bao gồm 5 miếng, được bán với giá 2.700 yen (18,40USD).
Cửa hàng sẽ gửi một bản tin thường xuyên cho những khách hàng đang chờ đợi để cập nhập cho họ chi phí vận chuyển mới nhất. Một tuần trước ngày giao hàng, cửa hàng sẽ xác nhận lại đơn hàng với những vị khách kiên nhẫn kia.
“Tất nhiên, sẽ có một số người đã thay đổi địa chỉ email. Đối với những người đó, chúng tôi sẽ gọi điện thoại trực tiếp và cho biết ngày giao hàng. Họ có thể tự thay đổi địa chỉ của mình trên website hoặc thông báo trực tiếp cho cửa hàng,” Nitta nói.
Và những khách hàng nhận bánh croquettes vào thời điểm ông nói đã đặt hàng cách đây khoảng 10 năm./.