Nhật Bản loại bỏ hai lò phản ứng hạt nhân hoạt động gần 4 thập kỷ

Công ty Điện lực Kansai của Nhật Bản đã quyết định loại bỏ hai lò phản ứng hạt nhân lâu đời tại nhà máy điện hạt nhân Oi ở miền Trung nước này.
Nhật Bản loại bỏ hai lò phản ứng hạt nhân hoạt động gần 4 thập kỷ ảnh 1 Lò phản ứng số 1 và số 2 tại nhà máy Takahama của công ty điện lực Kansai ở tỉnh Takahama. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 22/12, Công ty Điện lực Kansai của Nhật Bản đã quyết định loại bỏ hai lò phản ứng hạt nhân lâu đời tại nhà máy điện hạt nhân Oi ở miền Trung nước này, chủ yếu do không muốn phải bỏ ra chi phí quá lớn để nâng cấp các thiết bị nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sau thảm họa kép động đất và sóng thần gây rò rỉ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima.

Hai lò phản ứng trên, với công suất 1.175 MW mỗi lò, sẽ chính thức tròn 40 năm đi vào hoạt động vào năm 2019 và là những lò phản ứng hạt nhân đầu tiên với công suất trên 1.000MW sẽ không còn được sử dụng tại Nhật Bản, bên cạnh lò phản ứng số 6 với công suất 1.100MW thuộc tổ hợp Fukushima.

Bên cạnh lý do chi phí lớn để nâng cấp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn, Kansai cũng cân nhắc đến triển vọng nhu cầu điện năng ở miền Tây Nhật Bản, vốn được dự đoán khó có khả năng tăng mạnh.


[Nhật Bản kéo dài vận hành thêm một lò phản ứng hạt nhân 40 năm]

Theo các quy định mới, các lò phản ứng hạt nhân về nguyên tắc không được hoạt động quá 40 năm. Tuy nhiên, các lò phản ứng này có thể được phép tiếp tục hoạt động thêm 20 năm nữa nếu các công ty điều hành nâng cấp các trang thiết bị cũ kỹ để đảm bảo độ an toàn cũng như vượt qua vòng kiểm duyệt của Cơ quan quản lý hạt nhân.

Quyết định loại bỏ hai lò phản ứng hạt nhân với công suất lớn của Kansai có thể khiến Chính phủ Nhật Bản xem xét lại chính sách năng lượng quốc gia giai đoạn hậu khủng hoảng Fukushima. Theo kế hoạch phát triển điện hạt nhân, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ cung cấp 20-22% tổng nguồn cung điện cho cả nước vào tài khóa 2030.

Năm 2011, Nhật Bản đã đóng cửa tất các các lò phản ứng hạt nhân của nước này sau thảm họa kép động đất và sóng thần vốn dẫn tới rò rỉ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục