Ngày 20/3, đảng Dân chủ tự do (LDP) và đảng Komeito, đối tác trong liên minh cầm quyền tại Nhật Bản, đã đạt được nhất trí về dự thảo luật an ninh, cho phép mở rộng phạm vi các chiến dịch ở nước ngoài của Lực lượng phòng vệ (SDF) nước này.
Động thái trên mở đường cho việc Chính phủ Nhật Bản phác thảo một loạt dự luật liên quan đến an ninh nhằm tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách an ninh sau Chiến tranh thế giới thứ II của nước này.
Các dự thảo trên sẽ được trình lên quốc hội vào giữa tháng 5 tới, với hy vọng sẽ được thông qua thành luật chính thức trong các phiên họp dự kiến kết thúc vào ngày 24/6 tới.
Hiện chính phủ đang cân nhắc kéo dài phiên họp quốc hội để đảm bảo các dự luật này được thông qua.
Dự luật trên nếu được thông qua sẽ cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể, hoặc hỗ trợ các đồng minh bị tấn công, kể cả khi Nhật Bản không bị tấn công.
Ngoài ra, SDF còn có thể được triển khai tại nước ngoài nhằm hỗ trợ hậu cần cho quân đội nước ngoài trên khắp thế giới và thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hoà bình mở rộng.
Tuy nhiên hiện liên minh cầm quyền vẫn chưa hoàn toàn nhất trí về nhiều vấn đề, trong đó liệu luật mới có nên đưa ra một loạt điều kiện mà SDF cần đáp ứng trước khi thực hiện quyền phòng phòng vệ tập thể hay không.
Dự kiến các cuộc thảo luận về an ninh này sẽ được tiếp tục vào giữa tháng 4.
Kể từ tháng Hai vừa qua, các nghị sĩ cấp cao của LDP và Komeito đã tiến hành đối thoại thu hẹp sự khác biệt về việc nới lỏng hạn chế đối với SDF.
LDP mong muốn mở rộng vai trò của SDF và đóng góp cho hoà bình toàn cầu, trong khi Komeito lại cho rằng Nhật Bản nên đảm bảo tính hợp pháp của SDF tại nước ngoài theo luật quốc tế và cần có sự thông qua của Quốc hội.
Trước đó vào tháng 7/2014, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, theo đó Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu “sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân.”
Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công.
Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động của SDF trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu và các “kịch bản vùng xám” - những tình huống bất trắc nhưng chưa đến mức bùng phát thành chiến tranh.
Kể từ khi nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe luôn nỗ lực nâng cao vị thế của đất nước "Mặt trời mọc" thành “quốc gia đóng góp chủ động” cho hòa bình và an ninh toàn cầu đồng thời tăng cường năng lực của SDF trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với những nguy cơ về an ninh./.