Nhật Bản: Lạm phát giảm bất chấp nỗ lực tăng chi tiêu của chính phủ

Lạm phát của Nhật Bản lại giảm xuống còn 2,7%, so với mức 2,9% trong tháng trước đó, bất chấp chính sách tăng cường chi tiêu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Nhân viên lắp ráp ôtô tại một nhà máy của Nissan. (Nguồn: Bloomberg News)

Bộ Công nghiệp Nhật Bản vừa công bố số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp tại nước này trong tháng 11/2014 đã bất ngờ giảm 0,6% so với tháng trước đó, trái ngược với mức tăng 0,8% theo dự đoán của thị trường.

Trong khi đó, lạm phát (không bao gồm thực phẩm tươi sống) lại giảm xuống còn 2,7%, so với mức 2,9% trong tháng trước đó, bất chấp chính sách tăng cường chi tiêu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Shinzo Abe đã tung ra chính sách kích cầu mang tên Abenomics với ba “mũi tên” nhằm thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát thông qua các biện pháp nới lỏng tiền tệ và cải cách kinh tế. Giá tăng chủ yếu do Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành tăng thuế tiêu dùng lên 8% (từ mức 5%) vào ngày 1/4 vừa qua để thu hẹp khoản nợ quốc gia khổng lồ. Tuy nhiên động thái này lại đưa ông Abe vào thế “kẹt” khi ông đang phải ra sức kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng.

Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (CPI) trong tháng 11/2014 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2013 và thua xa mức kỳ vọng 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).

Bộ nội vụ Nhật Bản cũng vừa cho biết chi tiêu hộ gia đình trong tháng 11/2014 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn không thay đổi ở mức 3,5%.

Trong khuôn khổ của chiến lược toàn diện nhằm chống lại suy giảm dân số, Chính phủ Nhật Bản đã công bố một kế hoạch dài năm năm kiến tạo thêm 300.000 việc làm tại địa phương vào năm 2020 để ngăn chặn dòng lao động trẻ đổ xô về thủ đô Tokyo. Về lâu dài, Nhật Bản hy vọng sẽ duy trì dân số ở mức 100 triệu người vào năm 2060 nếu tỷ lệ sinh tăng lên 1,8 trẻ em/phụ nữ vào năm 2030 và 2,07 trẻ em/phụ nữ vào năm 2040. Tỷ lệ sinh trong năm ngoái là 1,43.

Kế hoạch chính sách năm năm của Chính phủ nước này cũng tiến tới chuyển dịch các nhóm lao động vào những công việc ổn định hơn so với việc làm tạm thời như hiện nay và giảm số lượng “lao động tự do” thiếu việc làm xuống mức 1,24 triệu người trên cả nước từ nay đến năm 2020.

Chiến lược trên dự kiến sẽ được thông qua tại phiên họp Nội các bất thường ngày 27/12 cùng với tầm nhìn dài hạn về dân số Nhật Bản tính đến năm 2060. Các chính sách này được cho là sẽ được phản ánh trong ngân sách tài khóa 2015 của chính phủ và trong các sửa đổi sắp tới đối với hệ thống thuế.

Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị những tính toán cuối cùng trước khi đề xuất ngân sách tài khóa 2015 (từ 1/4/2015-30/3/2016) lên tới 98.000 tỷ yen. Nếu được thông qua, đây sẽ là ngân sách lớn kỷ lục của Nhật Bản.

Theo nhật báo Nikkei, 98.000 tỷ yen ngân sách đang được Chính phủ Nhật Bản cân nhắc thấp hơn mức đề xuất lên tới trên 101.000 tỷ yen do các bộ, ngành của Nhật Bản đề nghị. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 2.000 tỷ yen so với ngân sách tài khóa 2014.

Tài khóa 2015 cũng là tài khóa đầu tiên trong sáu năm gần đây, trái phiếu quốc gia sẽ được phát hành ở mức dưới 40.000 tỷ yen. Theo dự toán, kinh phí dành cho chính phủ chiếm 74.600 tỷ yen, cao hơn mức 72.000 tỷ yen của tài khóa 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục