Lật Hồng Cường bắt đầu mở một trường dạy tiếng Trung Quốc trên mạng Internet ở Nhật Bản 3 năm trước sau khi vay 5 triệu yen của bố mẹ ở tỉnh Hà Bắc. Khoản tiền trên cần thiết để chàng cử nhân 27 tuổi tốt nghiệp một trường đại học của Nhật Bản này hoàn tất một trong hàng loạt những yêu cầu để có được thị thực từ các nhà đầu tư kinh doanh Nhật Bản.
Tại trụ sở văn phòng chỉ rộng chừng 20m2 ở Tokyo với đầy máy tính và máy in, Lật cho biết: “Tôi thật may mắn khi cha mẹ đã cho 5 triệu yen để khởi nghiệp. Nhưng thuê chỗ để đặt văn phòng vẫn đòi hỏi một khoản tiền lớn.”
Đối với Đặng Thái Cẩm Ly, nữ sinh Việt Nam 29 tuổi, vấn đề tài chính lại là một trở ngại vì rất khó chuyển tiền từ Việt Nam sang Nhật Bản. Mặc dù vậy, cuối cùng thì cô cũng đã có thể hoàn tất luận văn và giờ đang hy vọng sẽ mở một quán ăn Việt Nam ở Nhật Bản. Cô nói: “Tôi nghĩ thị trường Nhật Bản khá tiềm năng và đem lại nhiều cơ hội.”
Quản lý tại Công ty Acroseed có trụ sở ở Tokyo, một công ty chuyên tư vấn về lao động nước ngoài, anh Masashi Miyagawa cho biết: “Một số sinh viên nước ngoài phải mất thời gian vừa mới tốt nghiệp đại học để tìm nguồn vốn kinh doanh.”
Ngoài vấn đề tiền, thuê một văn phòng cũng là một thách thức khác đối với các doanh nhân khi số ít chủ nhà đất quan tâm đến việc cho thuê không gian cho những người nước ngoài khởi nghiệp mà việc kinh doanh của họ còn chưa bắt đầu. Bất chấp những thách thức này, ngày càng có nhiều sinh viên nước ngoài, đặc biệt là từ châu Á, không còn thói quen lao ra ngoài tìm kiếm việc làm như trước đây hay trở về nhà sau khi tốt nghiệp mà thay vào đó, họ tìm cách để vượt qua chính bản thân mình.
Hãng tin Kyodo dẫn số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết số lượng các sinh viên nước ngoài đã chuyển đổi thành công thị thực của họ sang nhà đầu tư hay giám đốc kinh doanh lên tới 321 người trong năm 2013, tăng gấp 5 lần so với 61 người năm 2007.
Liên quan đến nguyên nhân của hiện tượng này, ông Hirokazu Hasegawa, Giáo sư Trường Kinh doanh Waseda ở Tokyo, cho rằng môi trường kinh doanh ở Nhật Bản hấp dẫn hơn cho những người khởi nghiệp so với một số quốc gia châu Á. Giáo sư Hasegawa nói: “Khi Internet và các cơ hội kinh doanh liên quan đến công nghệ vẫn bị giới hạn ở một số nước châu Á, nhiều sinh viên nước ngoài ở châu Á muốn học cách thức lập kế hoạch kinh doanh ở Nhật Bản.”
Một trong số các sinh viên của Giáo sư Hasegawa đến từ Trung Quốc ủng hộ quan điểm này. Sinh viên người Trung Quốc, Vương Lộ, chia sẻ: “Nhật Bản có công nghệ thương mại điện tử tiên tiến mà tôi muốn học hỏi và thủ tục để xin khởi nghiệp cũng ít rầy rà hơn so với ở đất nước tôi.”
Anh Vương, 31 tuổi, là một kỹ sư của Công ty Fujitsu nhưng đã ghi danh theo học tại trường kinh doanh để phấn đấu chứng chỉ MBA và sẽ là nhà đồng sáng lập một công ty thương mại điện tử vào tháng Tám tới. Anh bị thôi thúc bởi khát vọng bắt đầu một cái gì đó mới hơn là theo đuổi một nghề nghiệp tại một tập đoàn đã có sẵn và gắn bó với một việc nào đó cả đời.
Tuy nhiên, nếu không có những bài học mà anh có được tại ngôi trường này, anh đã không thể có cảm hứng thành lập công ty mang tên MIJ Corp. của riêng mình. Công ty của anh dự kiến sẽ cung cấp một nền tảng liên kết những người Trung Quốc tìm kiếm các sản phẩm ở Nhật Bản để cung cấp cho giới nhà giàu mới nổi ở nước này.
Anh nói: “Ban đầu, các bạn cùng lớn của tôi có một ý tưởng kinh doanh mà tôi thấy thực sự thú vị sau đó chúng tôi triển khai ý tưởng và nhận được sự phản hồi từ các giáo sư và những người khác. Sau cùng thì chúng tôi đã cùng nhau sáng lập công ty sau khi ra trường.”
Một số doanh nhân nước ngoài khác thì nhận được sự ủng hộ từ các vườn ươm kinh doanh Nhật Bản. Chị Lee Hyeok, một sinh viên Hàn Quốc, đang điều hành công ty Deview Communications Inc., một công ty liên quan đến giáo dục, ở Tokyo khoảng 4 tháng qua. Công ty của chị Lee thuê một văn phòng ở đảo Samurai Startup tại một quận cung cấp văn phòng giá rẻ ở khu đất mới trên Vịnh Tokyo.
Tại một góc trên hòn đảo này, hàng chục doanh nhân trẻ ngồi cùng nhau trên những chiếc bàn gỗ để trao đổi về các ý tưởng kinh doanh trong khi người khác thì đang kỳ cạch gõ bàn phím. Đây là nơi được chị Lee lập nên để tạo không gian cùng làm việc và đôi khi cũng là để cho những người mới khởi nghiệp trò chuyện với nhau.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang tìm cách khuyến khích người nước ngoài bắt đầu hoạt động kinh doanh bằng cách nới lỏng các đòi hỏi về thị thực ở các đặc khu kinh tế. Đây được coi là một phần trong chiến lược tăng trưởng của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tái sinh nền kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng giảm tỷ lệ sinh và xã hội già hoá.
Chính phủ nước này đã đệ trình một dự luật lên quốc hội hồi cuối tháng 10/2014 nhằm sửa đổi luật về đặc khu kinh tế. Kế hoạch trên đã bị huỷ bỏ khi Hạ viện bị giải tán vào tháng 11/2014 nhưng Tokyo dự kiến sẽ soạn thảo một dự luật mới.
Trường học online của anh Lật Hồng Cường có tên gọi là Skypechina. Anh cho biết nếu Nhật Bản có thể nới lỏng một số điều kiện về thị thực, nó sẽ có ích rất nhiều cho chúng tôi vì các doanh nhân trẻ là sinh viên nước ngoài thực sự rất nghiêm túc trong kinh doanh. Anh cũng rất ấn tượng trước “tinh thần hiếu khách” mà anh đã tìm thấy trong ngành dịch vụ của Nhật Bản.
Tư vấn viên Miyagawa cho rằng các doanh nghiệp của sinh viên nước ngoài sẽ giúp Nhật Bản thu hút thêm nhiều khách nước ngoài. Anh cũng cho biết thêm rằng các sinh viên nước ngoài thỉnh thoảng cũng nhận thấy một số thứ hấp dẫn trong văn hoá Nhật Bản mà người Nhật không nhận ra và đại loại là chúng có thể được sử dụng cho mục đích kinh doanh.
Giáo sư Hasegawa cho biết các doanh nhân xuất thân là những sinh viên nước ngoài có nhiều khả năng khởi nghiệp vì họ biết cả Nhật Bản và đất nước của họ. Ông khẳng định: “Tôi nghĩ số lượng các doanh nhân như vậy sẽ vẫn còn tăng trong tương lai không xa"./.