Giống như nhiều nơi khác trên thế giới, việc sử dụng chất thải của con người để làm phân bón cho cây trồng từng rất phổ biến tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, loại phân bón này đã bị thay thế dần do sự ra đời của các hệ thống thoát nước, các nhà máy xử lý chất thải và phân bón hóa học.
Cách đây khoảng 10 năm, các chủ nhà máy xử lý chất thải Nhật Bản còn trăn trở làm thế nào để loại phân bón hữu cơ này tiếp tục được ưa chuộng để tránh phải xử lý bùn thải - quy trình gây tốn kém và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Nhưng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đẩy giá phân bón hóa học tăng cao, nhiều người lại quan tâm đến loại phân bón truyền thống có giá rẻ này.
Một nhà máy tại thành phố Tome, ở tỉnh Miyagi ghi nhận số lượng bán phân bón từ chất thải con người hay “shimogoe” (trong tiếng Nhật) tính đến tháng 3 vừa qua tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ sở này đã bán hết hàng lần đầu tiên kể từ khi thành phố bắt đầu sản xuất loại phân bón này vào năm 2010.
Phó Giám đốc cơ sở này Toshiaki Kato cho biết sản phẩm phân bón của họ được sử dụng rộng rãi do tốt cho môi trường và có giá rẻ, giúp người nông dân giảm chi phí vốn đang tăng cao.
Với thành phần là bùn bể phốt kết hợp với chất thải của con người, loại phân bón này có giá 160 yen (1,1 USD)/15 kg, chỉ bằng 1/10 giá sản phẩm được làm bằng các nguyên liệu thô nhập khẩu.
Hơn nữa, bùn thải đã được xử lý và loại bỏ các các vật liệu có hại như kim loại nặng, không gây ô nhiễm môi trường.
Tương tự, nhà máy sản xuất phân bón tại thành phố Saga, Tây Nam Nhật Bản, cũng báo cáo doanh số tăng gấp 2-3 lần so với bình thường.
Tại Trung tâm Sinh khối Miura gần Tokyo, các xe tải chở chất thải của con người đến một cơ sở xử lý.
Nước đã được loại bỏ khỏi chất thải, sau đó chất thải rắn còn lại lên men nhờ vi khuẩn trong các bể chứa lớn.
[Nga xem xét gia hạn việc hạn chế xuất khẩu phân bón thêm 6 tháng]
Khí methane sản sinh trong quá trình này được đốt cháy để cung cấp nước nóng và điện năng cho cơ sở này.
Sản phẩm cuối cùng là một loại bột giống như đất có thể rải trên các cánh đồng, tốt cho các loại cây ăn lá. Nhà máy này có công suất 500 tấn phân bón/năm.
Chuyên gia về phân bón, ông Arata Kobayashi cho biết shimogoe là loại phân bón chủ chốt vào thời kỳ Edo. Vào đầu thế kỷ 18, một triệu cư dân Tokyo, thời đó được gọi là Edo, đã “sản xuất” khoảng 500.000 tấn phân bón/năm.
Theo ông Kobayashi, đây là ngành kinh doanh lớn, liên quan đến những người thu gom, người vận chuyển, nông dân và tất cả họ đều được hưởng lợi từ hệ thống tái chế này.
Các chuyên gia nông nghiệp cho biết phân bón được sản xuất từ chất thải của con người có tác dụng cân bằng hệ vi sinh trong đất, hạn chế rửa trôi, xói mòn đất, tiết kiệm nước tưới, giúp loại bỏ các chất độc hại trong đất, cân bằng môi trường tự nhiên.
Chính phủ Nhật Bản khuyến khích sản xuất phân bón từ chất thải con người với lý do bảo vệ môi trường và lo ngại an ninh lương thực kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản hy vọng lượng sử dụng phân bón từ chất thải của người và động vật tăng gấp đôi vào năm 2030, tiến tới mục tiêu chiếm 40% tổng lượng phân bón sử dụng ở Nhật Bản./.