Nhật Bản khó thoát khỏi “cái bóng” của điện hạt nhân

Các nghị sỹ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản đề xuất sản xuất khoảng 60% điện năng từ nguồn năng lượng bền vững nhưng vẫn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân bất chấp cuộc khủng hoảng Fukushima.
Nhật Bản khó thoát khỏi “cái bóng” của điện hạt nhân ảnh 1Hai lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Sendai (Nhật Bản). (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 7/4, các nghị sỹ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản đã trình Thủ tướng Shinzo Abe bản đề xuất trong đó nhấn mạnh Nhật Bản sẽ sản xuất khoảng 60% điện năng từ các nguồn năng lượng bền vững.

Con số này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng cho biết nước này vẫn tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân bất chấp cuộc khủng hoảng Fukushima.

Phần đóng góp của nguồn năng lượng “phụ tải cơ bản," vốn có thể sản sinh điện năng cả ngày lẫn đêm ở chi phí thấp và bao gồm cả than đá và thuỷ điện, giảm xuống khoảng 40% trong bối cảnh tất cả các lò phản ứng hạt nhân hiện vẫn ngừng hoạt động do lo ngại về an toàn sau thảm họa hạt nhân hồi tháng 3/2011.

Bản dự thảo của đảng Dân chủ Tự do, chính đảng do ông Abe lãnh đạo, chỉ ra rằng năng lượng hạt nhân sẽ chiếm tối thiểu 20% trên tổng số nguồn cung điện năng.

Giới phản biện cho rằng tỷ trọng trên có thể không thấp hơn so với mức 30% trước khủng hoảng ngay cả khi Chính quyền của Thủ tướng Abe cam kết giảm mức độ phụ thuộc vào điện hạt nhân càng nhiều càng tốt.

Chính phủ Nhật Bản hiện đang thảo luận về gói phức hợp năng lượng tương lai của nước này hay còn gọi là tỷ trọng điện năng được tạo ra bởi nhiều nguồn khác nhau.

Nghị sỹ cấp cao đảng Dân chủ Tự do Fukushiro Nukaga nói với báo giới sau cuộc gặp với Thủ tướng Abe rằng Tokyo và đảng này dự kiến sẽ tiến tới ấn định những tỷ lệ cụ thể “từ nay đến cuối tháng 4/2015."

Trước cuộc gặp, ông Abe, hiện đang thúc đẩy việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân được đánh giá là an toàn, cho biết ông sẽ cân nhắc đến gói năng lượng phù hợp nhất để tính toán về “mức độ cần thiết để giảm giá điện năng” và “hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để hoàn thành trách nhiệm” của Nhật Bản với cộng đồng quốc tế.

Giá thành điện năng của Nhật Bản tăng khi các công ty điện lực phải chịu sức ép từ chi phí gia tăng do nhập nhiên liệu dùng cho nhiệt điện từ sau sự cố điện hạt nhân hồi năm 2011.

Năm 2013, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 1%, nhiệt điện từ than đá chiếm 30% trong khi thuỷ điện và điện địa nhiệt chiếm 9% tổng điện năng của Nhật Bản.

Nếu tỷ lệ các nguồn năng lượng được nâng trở lại 60%, điều này có nghĩa là hợp phần của năng lượng hạt nhân chiếm mức cao nhất 20% vì sẽ khó tăng điện năng từ than đá do phát sinh nhiều khí thải nhà kính trong khi sẽ phải mất nhiều thời gian để thực hiện công tác xây dựng và lắp đặt cần thiết cho thuỷ điện và điện địa nhiệt.

Trong chính sách năng lượng cơ bản ban hành vào cuối tháng 4/2014, Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết sẽ tăng việc sử dụng các nguồn năng lượng như phong điện, quang năng và các nguồn năng lượng sạch tái sinh khác.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, Tokyo cũng khẳng định điện hạt nhân là “nguồn năng lượng phụ tải cơ bản quan trọng."

Bộ Môi trường Nhật Bản đã công bố dự báo hôm 3/4 theo đó khẳng định năng lượng sạch có thể chiếm tới 35% tổng cung năng lượng vào năm 2030 nếu thực hiện các biện pháp nâng cấp lưới điện quốc gia và ứng dụng các công nghệ mới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yoichi Miyazawa, người chịu trách nhiệm giám sát ngành điện lực, ngày 7/4 cho biết ước tính của Bộ Môi trường “chưa cân nhắc đầy đủ đến tính khả thi của việc đưa vào sử dụng năng lượng tái sinh."

Ông Miyazawa cho rằng tính toán trên “không thể sử dụng làm nền tảng cho gói phức hợp năng lượng” đồng thời cho rằng tỷ trọng năng lượng sạch thực tế sẽ thấp hơn nhiều./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục