Nhật Bản kéo dài các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định kéo dài thời gian áp dụng biện pháp đặc biệt hỗ trợ người lao động, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 9 đến cuối tháng 11/2021.
Nhật Bản kéo dài các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục gia hạn thời gian triển khai các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và quyết định kéo dài thời hạn áp dụng lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 17/8, Chính phủ Nhật Bản đã bổ sung thêm 7 địa phương vào diện ban bố tình trạng khẩn cấp, nâng tổng số địa phương áp dụng biện pháp này lên con số 13 với thời gian áp dụng đến ngày 12/9.

Ngoài ra, 16 địa phương khác cũng được áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm trong cùng thời gian này.

Cùng với các biện pháp phòng dịch, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định kéo dài thời gian áp dụng biện pháp đặc biệt hỗ trợ người lao động, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 9 đến cuối tháng 11/2021.

Các doanh nghiệp tại các địa phương thuộc diện này nếu hợp tác trong công tác phòng chống dịch sẽ được hỗ trợ tối đa mỗi ngày là 15.000 yen/người.

Dịch COVID-19 tại Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nước này.

[3 chính sách trụ cột để chống lại đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản]

Số ca nhiễm mới được ghi nhận tại Nhật Bản trong ngày 17/8 là 19.955 ca, trong đó có 1.646 ca nguy kịch, 47 ca tử vong.

Riêng thủ đô Tokyo tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục ngày thứ 8 liên tiếp (4.377 ca).

Tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại đây vẫn ở mức cao là 63,7%, trong đó tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt lần đầu tiên vượt ngưỡng 70%.

Bất chấp việc tăng trưởng trở lại trong quý 2, Nhật Bản được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong phần còn lại của năm nay do sự bùng phát làn sóng dịch từ biến thể Delta.

Văn phòng Nội các Nhật Bản vùa công bố dữ liệu cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng 0,3% trong quý 2/2021 so với quý đầu năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả này cho thấy chi tiêu tiêu dùng nội địa và chi tiêu của doanh nghiệp Nhật đã có dấu hiệu phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Tuy nhiên, so với các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ, kinh tế Nhật phục hồi chậm hơn nhiều. Trong quý 2/2021, Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP tới 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh biến thể Delta, những khó khăn toàn cầu khác như các đầu tàu Mỹ và Trung Quốc chững lại, gián đoạn chuỗi cung ứng hay thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn cũng được dự báo sẽ tạo thêm áp lực lên kinh tế Nhật Bản trong nửa cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục