Nhật Bản: JAXA đối mặt một loạt vấn đề nghiêm trọng về tên lửa

Các dự án phóng tên lửa của JAXA đã gặp nhiều rắc rối, bao gồm cả vụ phóng thất bại tên lửa Epsilon-6 vào tháng 10/2022 và tên lửa H3 vào tháng 3.
Nhật Bản: JAXA đối mặt một loạt vấn đề nghiêm trọng về tên lửa ảnh 1Tên lửa H2A rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản, ngày 26/1/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đang đối mặt với một loạt vấn đề nghiêm trọng với tên lửa của mình, bao gồm cả vụ phóng thất bại tên lửa H3 mới của nước này hồi tháng 3 vừa qua.

Các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại rằng những rủi ro như vậy - bao gồm cả vụ nổ động cơ tên lửa cỡ nhỏ Epsilon S sáng 14/7, có thể tác động lớn đến chương trình không gian trong tương lai của Nhật Bản.

Ông Koichi Yonemoto, Giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Khoa học Tokyo, cho biết: “Nhiên liệu rắn có thể phát nổ khi cháy nếu có các vết nứt hoặc đứt gãy. Tuy nhiên, những tai nạn như vậy rất hiếm. Có thể vụ tai nạn là do vấn đề kiểm soát chất lượng."

[Động cơ tên lửa cỡ nhỏ Epsilon S của Nhật Bản phát nổ khi thử nghiệm]

Theo ông Akira Sawaoka, Hiệu trưởng Danh dự của Đại học Daido và là chuyên gia về vật liệu đốt tên lửa, có thể đã xảy ra sự cố trong quy trình sản xuất ban đầu. Sự cố mới nhất này sẽ ảnh hưởng đến các lần ra mắt Epsilon S trong tương lai.

Các dự án phóng tên lửa của JAXA đã gặp nhiều rắc rối, bao gồm cả vụ phóng thất bại tên lửa Epsilon-6 vào tháng 10/2022 và tên lửa H3 vào tháng 3. Nguyên nhân của sự cố phóng H3 vẫn đang được điều tra.

JAXA và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về nguyên nhân của sự cố sáng 14/7.

Tùy thuộc vào những phát hiện của họ, kế hoạch phóng tên lửa Epsilon S đầu tiên vào năm tài chính 2024 - dự kiến mang theo một vệ tinh quan sát Trái Đất của Việt Nam, có thể bị trì hoãn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục