Nhật Bản, Iran nhất trí hợp tác thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử

Ngoại trưởng Nhật Bản và người đồng cấp Iran đã tiến hành điện đàm, trong đó hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran và cùng nhau hỗ trợ để thực hiện thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tại cuộc họp ở New York nhân chuyến thăm Mỹ ngày 19/9. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 16/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đã tiến hành điện đàm, trong đó hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran và cùng nhau hỗ trợ để thực hiện thỏa thuận này.

Theo phóng viên TTXN tại Nhật Bản, trong cuộc điện đàm kéo dài 15 phút, Ngoại trưởng Kono nhận định Iran có vai trò quan trọng, mang tính kiến tạo đối với hòa bình khu vực, do đó Nhật Bản mong muốn vấn đề được giải quyết thông qua đối thoại.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản khẳng định Tokyo ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran và sẽ hỗ trợ để thực thi thỏa thuận này.

Đáp lời, Ngoại trưởng Zarif đánh giá cao lập trường của Tokyo, đồng thời tái khẳng định Iran vẫn luôn và sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này trong thời gian tới.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khả năng hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là rất rõ ràng.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump hợp tác chặt chẽ với các đồng minh tại châu Âu trong quá trình xây dựng các chính sách mới với Iran.

[Chuyên gia: Đe dọa của ông Trump không thể ngăn ảnh hưởng của Iran]

Phát biểu trước báo giới khi Quốc hội Mỹ chuẩn bị có phiên thảo luận đầu tiên sau khi Tổng thống Trump đưa ra quyết định với thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 13/10 vừa qua, ông Corker nhấn mạnh hợp tác ngoại giao chặt chẽ với các đồng minh châu Âu là cách duy nhất giúp chính quyền giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả và đây cũng là ý tưởng của các nghị sỹ phe Dân chủ.

Hiện thượng nghị sỹ Corker đang phụ trách việc soạn thảo dự luật mới về các điều kiện liên quan tới vai trò của Mỹ trong JCPOA, trong đó bao gồm việc tự động tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Iran có dấu hiệu tái phát triển vũ khí hạt nhân trong vòng một năm.

Tuy nội dung cụ thể chưa được thống nhất, nhưng những điểm cơ bản cho thấy Washington có thể sẽ là phía vi phạm thỏa thuận trước chứ không phải Tehran.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ cử Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tới Washington vào tháng 11 tới để thuyết phục Mỹ tiếp tục tham gia thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.

Phía EU lo ngại việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này sẽ phát đi thông điệp tới Triều Tiên rằng thỏa thuận với các quốc gia khác về vấn đề hạt nhân là một "việc làm vô ích."

Trước đó, các ngoại trưởng tham dự Hội nghị Ngoại trưởng EU tại Luxembourg đều lên tiếng ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran và cảnh báo lập trường của Tổng thống Trump sẽ đe dọa mọi nỗ lực tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) sau 12 năm đàm phán cam go.

Iran cam kết kiềm chế các hoạt động phát triển hạt nhân để đổi lại các đối tác sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với nước này liên quan tới vấn đề hạt nhân.

Tuy nhiên, thỏa thuận lịch sử này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Tổng thống Trump liên tục gọi đây là thỏa thuận "tồi tệ và một chiều nhất mà Mỹ từng ký kết" và hôm 13/10 vừa qua ông tuyên bố không xác nhận Iran đã tuân thủ thỏa thuận đồng thời "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa kiểm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục