Nhật Bản, IAEA vẫn hợp tác phân tích ảnh hưởng của xả nước thải nhiễm xạ ra biển

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết "muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ" với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) "cho đến khi xả hết giọt nước cuối cùng."
Các bể chứa nước thải tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản ngày 22/8/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo hãng tin Kyodo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 12/3 đồng ý tiếp tục hợp tác để phân tích ảnh hưởng của nước thải nhiễm phóng xạ qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã ngừng hoạt động.

Ông Grossi đang thực hiện chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên kể từ khi việc xả nước thải ra biển bắt đầu diễn ra vào tháng 8/2023, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Nhật Bản về việc xả "nước bị ô nhiễm hạt nhân" từ Khu liên hợp hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển.

Ông Hayashi nhấn mạnh sự tham gia của IAEA trong quá trình xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý "vẫn quan trọng," đồng thời nói thêm rằng Nhật Bản "muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ" với tổ chức quốc tế này "cho đến khi xả hết giọt nước cuối cùng."

Về phần mình, ông Grossi khẳng định Tokyo và IAEA đã đánh dấu một "cột mốc rất quan trọng vào năm ngoái" và cam kết hợp tác với Nhật Bản.

Vào tháng 7/2023, IAEA đã đệ trình một báo cáo kết luận rằng việc xả nước này phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và việc xả nước sẽ có "ảnh hưởng không đáng kể đến con người và môi trường."

Tháng 9/2023, Ngoại trưởng Yoko Kamikawa và Tổng Giám đốc Grossi đã xác nhận rằng IAEA sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá tác động của việc xả thải đối với môi trường ở Thái Bình Dương.

Trong thời gian ở Nhật Bản, ông Grossi dự kiến sẽ thị sát Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và trao đổi quan điểm về việc xả nước với ngư dân địa phương.

Vào tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến Nhà máy Fukushima Daiichi bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị điều hành Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, phải xử lý hàng trăm bể chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.

Khi không còn đất xây bể chứa và cần giải phóng không gian, từ năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý xuống biển.

Chính phủ Nhật Bản tuyên bố nước thải từ Nhà máy Fukushima xả ra biển được xử lý thông qua hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến có khả năng loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ, ngoại trừ tritium-một đồng vị phóng xạ của hydro rất khó tách khỏi nước. Tritium được cho là ít gây rủi ro cho sức khỏe con người và môi trường vì phát ra tia bức xạ rất yếu, khó có thể xuyên qua da người.

Nước thải sẽ được pha loãng cùng nước biển với tỷ lệ 1/40 theo nồng độ cho phép trong tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản trước khi được thải qua một đường hầm dưới nước.

Nhật Bản đã nỗ lực thuyết phục người dân trong nước cũng như nước ngoài tin tưởng về kế hoạch của nước này thông qua việc tổ chức các chuyến tham quan nghiên cứu Nhà máy Fukushima Daiichi và các thí nghiệm phát trực tiếp cho thấy sinh vật biển thích nghi trong nguồn nước đã qua xử lý.

TEPCO và Chính quyền Nhật Bản khẳng định rằng việc xử lý nước thải phóng xạ đã qua xử lý là rất quan trọng trong việc ngừng hoạt động nhà máy hạt nhân Fukushima. Việc xả nước thải dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng 30 năm.

Tính đến nay, TEPCO đã thực hiện 4 đợt xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra đại dương, sau khi được xác nhận là đáp ứng ngưỡng phóng xạ theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng cộng khoảng 31.150 tấn nước thải đã qua xử lý phóng xạ. Đợt xả mới nhất bắt đầu từ ngày 28/2 với 7.800 tấn nước được xả trong 17 ngày.

Như vậy, TEPCO đã hoàn tất xả thải theo kế hoạch đề ra ban đầu trong tài khóa 2023 là 31.200 tấn và dự kiến trong tài khóa 2024 sẽ xả khoảng 54.600 tấn nước đã qua xử lý phóng xạ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục