Ngày 27/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị cho Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Yasuhisa Shiozaki tiến hành họp nội các để thảo luận về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Ebola.
Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết cuộc họp trên nhằm nâng cao các biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh dịch bệnh Ebola đang lan rộng. Theo đó, Thủ tướng Abe đã yêu cầu Bộ trưởng Shiozaki chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh Ebola và trình bày tình hình trước Hội đồng An ninh quốc gia.
Hiện vẫn chưa có vắcxin hay loại thuốc điều trị Ebola nào được chính thức thông qua. Tuần trước, Bộ Y tế Nhật Bản đã thông qua việc sử dụng thuốc chữa cúm do một công ty trong nước phát triển trong trường hợp phát hiện ca nhiễm Ebola tại nước này.
Thuốc điều trị cúm Favipiravir do công ty Toyama thuộc Tập đoàn Fujifilm phát triển. Mặc dù Nhật Bản vẫn chưa thông qua việc sử dụng thuốc này để điều trị Ebola song tại thị trường Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Na Uy, thuốc này có tên là Avigan Tablet và đã được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Ebola.
Ngoài ra, Bộ Y tế Nhật Bản ngày 28/10 thông báo một nhà báo người Canada đến từ Liberia đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Ebola sau khi được phát hiện có thân nhiệt cao tại sân bay Haneda ở Tokyo vào chiều 27/10. Tuy nhiên, để phòng ngừa, đối tượng sẽ tiếp tục được theo dõi tại Trung tâm Quốc gia về Y tế toàn cầu ở thủ đô Tokyo.
Hội chữ Thập đỏ Kenya (KRCS) ngày 27/10 tuyên bố các nhân viên tình nguyện của tổ chức đã được huấn luyện xử lý các thi thể và giải quyết các trường hợp nhiễm Ebola, sẵn sàng ứng phó một khi dịch bệnh trên bùng phát tại nước này.
Tổng Thư ký KRCS Abbas Gullet nhấn mạnh mặc dù việc xử lý dịch bệnh Ebola là trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới song tổ chức này sẵn sàng đóng vai trò ủng hộ và giúp đỡ.
Hiện Kenya đang tiến hành chiến dịch giúp người dân nâng cao cảnh giác và biết cách phòng ngừa dịch bệnh Ebola. Theo đó, Bộ Y tế Kenya đã chuẩn bị các trung tâm cách ly và huấn luyện 10.000 nhân viên y tế trên khắp cả nước để ứng phó kịp thời khi cần thiết. Dự kiến thêm 10.000 nhân viên nữa sẽ được tập huấn đến cuối tháng 11.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt Kenya vào danh sách các quốc gia có nguy cơ bùng phát dịch bệnh Ebola do nước này là cửa ngõ giao thương quan trọng trong khu vực.
Cũng trong ngày 27/10, Bộ trưởng Y tế Sudan tái khẳng định không phát hiện thấy bất cứ trường hợp nhiễm Ebola nào tại nước này. Bộ cũng cho biết thêm không có thông tin nào từ WHO cho thấy có các trường hợp nhiễm Ebola tại các quốc gia láng giềng như Chad và Nam Sudan. Bộ này cũng đã thành lập các trung tâm theo dõi mới tại các bang gần biên giới như Darfur, bang Tây và Nam Kordofan, Nile Trắng và bang Biển Đỏ, trong đó các nhân viên được huấn luyện phát hiện triệu chứng bệnh Ebola, các biện phòng ngừa và can thiệp y tế cũng như kiểm soát lây nhiễm.
Trước đó, các trang mạng xã hội đã lan truyền thông tin về một bé gái tử vong tại một bệnh viện ở Khartoum sau khi có các triệu chứng tương tự như Ebola. Tuy nhiên, nhà chức trách y tế Sudan khẳng định các xét nghiệm cho thấy đứa trẻ tử vong do sốt rét nặng.
Cùng ngày, Uganda đã gửi thêm 30 nhân viên y tế đến khu vực Tây Phi nhằm hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 27/10 đã ca ngợi những nỗ lực của các nhân viên y tế tại các quốc gia đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành, đồng thời lên án việc áp đặt lệnh hạn chế và cách ly đối với các nhân viên này khi họ trở về nước.
Tuyên bố trên của Tổng Thư ký được được ra trong bối cảnh một y tá Mỹ đã bị cách ly tại New Jersey sau khi trở về từ vùng dịch Sierra Leone. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh các nhân viên y tế nên được hỗ trợ thay vì hạn chế bằng những căn cứ thiếu khoa học. Ông cũng kêu gọi việc ứng phó dịch bệnh Ebola "một cách nhanh chóng và với quy mô lớn" bởi đây là vấn đề toàn cầu./.