Ngày 27/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đồng chủ trì Hội thảo "Thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương."
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là xu hướng tất yếu, diễn ra sôi động tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ.
Bộ trưởng cho biết, năm 2019, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử. Đó là thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia (khai trương ngày 12/3/2019) và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; đưa Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào khai thác, sử dụng, theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, hướng tới Chính phủ không giấy tờ; triển khai Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; thiết lập và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ.
Tính đến ngày 25/2, hơn 65.900 tài khoản đã đăng ký, hơn 17 triệu lượt truy cập, hơn 1,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 11.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công.
[Thủ tướng: Xây nền tảng để nhân dân truy cập dịch vụ Chính phủ điện tử]
Hơn 1,3 triệu văn bản điện tử đã được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 2 lần.
Để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đổi mới lề lối, phương thức làm việc, hướng tới nền hành chính không giấy tờ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần huy động, ưu tiên mọi nguồn lực để xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; đẩy nhanh việc ứng dụng chữ ký số cá nhân, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng...
Vấn đề chuẩn hóa chế độ báo cáo, hệ thống thông tin phục vụ hội họp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được xem là nhiệm vụ trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio, xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, cần thiết trên thế giới và Nhật Bản đang thực hiện một cách mạnh mẽ để giảm thiểu thời gian giải quyết công việc, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành.
Đại sứ Umeda Kunio nhận định, chính trị Việt Nam rất ổn định và đang mở ra những cơ hội mới làm tiền đề cho bước nhảy vọt để phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ, việc xây dựng Chính phủ điện tử trong thời điểm này rất phù hợp với tiềm năng của Việt Nam.
Với tư cách là đối tác phát triển bền vững, Nhật Bản cam kết sẽ đồng hành và cùng Việt Nam nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử. "Chúng tôi sẵn sàng cử chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm cũng như cung cấp các thiết bị an toàn cho các bạn để thực hiện việc xây dựng Chính phủ điện tử thành công," Đại sứ Umeda Kunio nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã trao đổi, chia sẻ, thảo luận xung quanh 5 chuyên đề gồm kinh nghiệm về các hoạt động thúc đẩy Chính phủ số của Nhật Bản; triển khai hệ thống thông tin thống kê quốc gia Nhật Bản phục vụ phân tích, dự báo, phát triển kinh tế-xã hội; kinh nghiệm triển khai bảng theo dõi bộ chỉ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ các nước trên thế giới; đơn giản hóa chế độ báo cáo, chuẩn hóa quy trình, biểu mẫu, chỉ tiêu báo cáo phục vụ xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành và địa phương; giới thiệu hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và trung tâm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trưởng Phòng Quy hoạch Hệ thống thông tin Hành chính, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Okuda chia sẻ về những thành công, thất bại trong việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Nhật Bản, từ đó đưa ra những kinh nghiệm cho Việt Nam.
Theo ông Okuda, để việc xây dựng Chính phủ điện tử đạt kết quả tốt, cần phải đặt ra mục tiêu dài hạn, ít nhất là 10 năm để có thể hoàn thành được nhiều kế hoạch một cách hiệu quả và bền vững.
Ông Okuda phân tích thực tế đã triển khai ở Nhật Bản. Do dân số đang già hóa, lực lượng lao động giảm, yêu cầu chất lượng dịch vụ công và công tác hành chính đặt ra nhiều hơn nhưng không phải dịch vụ nào cũng khiến người dân hài lòng và sử dụng. Nếu lấy người dân làm trung tâm, phải có định nghĩa từng đối tượng cụ thể theo độ tuổi để xây dựng những mô hình dịch vụ công phù hợp./.