Nhật Bản, Hàn Quốc đàm phán thương mại cấp cao lần đầu sau 3 năm

Sau những căng thẳng thương mại kéo dài, các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc đã nối lại đàm phán cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Nhật Bản, Hàn Quốc đàm phán thương mại cấp cao lần đầu sau 3 năm ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Yahoo News)

Trong cuộc đàm phán tại Tokyo ngày 16/12, các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về hệ thống kiểm soát xuất khẩu của mỗi nước và nhất trí tiếp tục đàm phán để giải quyết tranh cãi thương mại kéo dài nhiều tháng qua.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nêu rõ: "Hai nước có thể tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về hệ thống quản lý xuất khẩu của mỗi nước...và nhất trí tiếp tục liên lạc và đàm phán để góp phần giải quyết vấn đề (tranh cãi thương mại) cũng như cung cấp cập nhật về những việc nên làm trong hệ thống kiểm soát xuất khẩu của mỗi nước và biện pháp thực thi."

Theo bộ trên, hai bên cũng nhất trí tiến hành cuộc đàm phán tiếp theo tại Seoul vào "thời điểm sớm nhất có thể."

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết việc quan chức hai nước đối thoại được với nhau đã là một tiến triển đáng khích lệ. Ông nhấn mạnh đối thoại sẽ giúp hai nước đưa ra các quyết định.

Trong cuộc đàm phán kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ này, các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc hai nước đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến các hệ thống kiểm soát xuất khẩu của mỗi nước, bao gồm quy định về các công nghệ nhạy cảm. Đây là cuộc đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 6/2016 và được xem là rất quan trọng đối với việc giải quyết xung đột thương mại giữa hai nước.

[Nhật Bản-Hàn Quốc bắt đầu đối thoại cấp cao về tranh cãi thương mại]

Đây cũng là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa quan chức thương mại hai nước sau khi Seoul quyết định gia hạn Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Tokyo hồi tháng trước, coi như một động thái thiện chí nhằm giải quyết tranh cãi thương mại.

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á leo thang kể từ tháng 10/2018 khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình-các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.

Đáp lại, Hàn Quốc thông báo quyết định không gia hạn GSOMIA được Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc kỳ năm 2016. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi GSOMIA hết hiệu lực, ngày 22/11, Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn thỏa thuận này kèm theo một số điều kiện. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hiện chưa thể đánh giá được động thái trên của Hàn Quốc vì chưa rõ các điều kiện mà Seoul sẽ đưa ra.

Cuộc gặp trên diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tuần tới ở Trung Quốc, khi ba nước bắt đầu đối thoại với hy vọng thúc đẩy giải quyết các vấn đề đang tranh cãi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục