Nhật Bản, Hà Lan sẽ hạn chế xuất khẩu công nghệ chip cho Trung Quốc

Liên minh ba quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan sẽ tạo ra sự phong tỏa gần như hoàn toàn đối với khả năng mua thiết bị cần thiết để tạo ra những con chip hàng đầu của Trung Quốc.
Nhật Bản, Hà Lan sẽ hạn chế xuất khẩu công nghệ chip cho Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: business-standard.com)

Hãng tin Bloomberg ngày 12/12 dẫn nguồn giấu tên cho biết trong những tuần tới, Nhật Bản và Hà Lan có thể sẽ thông báo về việc áp dụng quy định của Mỹ để hạn chế bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc.

Cụ thể, hai chính phủ đang lên kế hoạch áp đặt lệnh cấm bán máy móc có khả năng chế tạo chip 14 nanomet hoặc tiên tiến hơn cho Trung Quốc.

Như vậy, liên minh ba quốc gia sẽ tạo ra sự phong tỏa gần như hoàn toàn đối với khả năng mua thiết bị cần thiết để tạo ra những con chip hàng đầu của Trung Quốc.

Mỹ đã hạn chế nguồn cung từ các nhà cung cấp thiết bị của Mỹ như Applied Materials Inc, Lam Research Corp, KLA Corp.

Mỹ cũng cần thêm Electron Ltd của Nhật Bản và ASML Holding NV của Hà Lan tham gia lệnh hạn chế này.

Theo Bloomberg, Chính phủ Nhật Bản đã phải vượt qua sự phản đối từ các công ty trong nước như Tokyo Electron, Nikon Corp và Canon Inc, các công ty không muốn mất doanh số bán hàng cho Trung Quốc. Trong khi đó, cổ phiếu của ASML tụt giảm 3% khi tin tức lan truyền.

Ngày 12/12, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới. Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các hạn chế đã đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu và lý do bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ là đáng ngờ.

Theo Finacial Trade, đại diện lãnh đạo của Tập đoàn Sony và NEC mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu chất bán dẫn gần đây của Mỹ khó có khả năng ngăn được sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính.

[TSMC thông báo xây dựng nhà máy sản xuất chip thứ hai tại Mỹ]

Các lãnh đạo công nghệ Nhật Bản từ đó cũng bày tỏ quan ngại về mức độ hiệu quả trong các biện pháp của Mỹ.

Đại diện của Tập đoàn Sony cho biết động lực của việc phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc xuất phát từ khả năng nước này truy cập vào các cơ sở dữ liệu lớn, vốn được cho là không bị ảnh hưởng bởi các lệnh kiểm soát của Mỹ trong dài hạn.

Lãnh đạo của Tập đoàn NEC cũng dự báo xu hướng Trung Quốc đạt được tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ sẽ khó có thể thay đổi bất chấp các biện pháp phía Mỹ đưa ra.

Lãnh đạo của hai tập đoàn này cho biết họ cũng ít có khả năng chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các biện pháp của Mỹ.

Các trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Sony hiện được đặt tại Mỹ và châu Âu, trong khi NEC đang tập trung hơn vào việc nghiên cứu lĩnh vực phần mềm và nhận dạng khuôn mặt.

Cả hai tập đoàn Sony và NEC giai đoạn gần đây đã ngày càng hạn chế các tương tác và hợp tác kinh doanh với Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục