Những số liệu cho chính phủ Nhật Bản công bố ngày 3/3 cho thấy giá tiêu dùng cốt lõi của nước này trong tháng 1 vừa qua đã tăng lần đầu tiên trong 13 tháng do giá dầu tăng cao.
Đây là một tín hiệu cho thấy lạm phát của Nhật Bản có thể tăng trong những tháng tới, sau một thời gian dài giảm sút phán ánh tình trạng giảm phát của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ và Thông tin Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống dễ biến động, trong tháng 1 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước sau khi đã giảm 0,2% trong tháng 12/2016.
Trong khi đó, giá năng lượng nói chung vẫn tiếp tục giảm, với mức giảm 0,8% trong tháng 1, tuy nhiên tốc độ giảm đã chậm lại sau khi giảm 4,4% vào tháng trước đó. Giá xăng và dầu sưởi ấm tăng lần lượt 11,2% và 19,7%.
Cũng góp phần làm CPI cốt lõi tăng là giá cả thực phẩm, không bao gồm các mặt hàng dễ hỏng, tăng 0,6%. Giá các tua du lịch nước ngoài trọn gói cũng tiếp tục tăng. Chỉ số giá tiêu dùng nói chung, bao gồm cả các mặt hàng tươi sống, trong tháng 1 đã tăng 0,4%, ghi nhận tháng thứ 4 tăng liên tiếp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản trong tháng 1 giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, xuống mức 3%, mức thấp nhất trong vòng 20 năm. Tỷ lệ nam giới thất nghiệp giảm 0,3 điểm xuống còn 3,1% trong khi tỷ lệ này ở nữ giới vẫn giữ nguyên ở mức 2,7%. Số người thất nghiệp giảm 4,3%, tương đương 90.000 người, xuống còn 1,98 triệu người, trong khi tổng số người lao động là 65,04 triệu người, tăng 0,1%.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết tỷ lệ việc làm có sẵn trong tháng 1/2017 ở mức 1,43%, không đổi so với tháng 12/2016. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 7/1991. Chỉ số này có nghĩa là có 143 việc làm có sẵn cho 100 người tìm việc.
Trong khi đó, chi tiêu hộ gia đình tiếp tục giảm, cho thấy nhu cầu trong nước vẫn yếu kém. Theo bộ trên, chi tiêu hộ gia đình, thước đo chính cho tiêu dùng cá nhân, trong tháng 1 đã giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 279.249 yen (tương đương 2.400 USD).
Những số liệu mới nhất này đã đặt ra một thách thức đối với giới chức Nhật Bản đang cố gắng thúc đẩy nhu cầu cá nhân trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gần đây của nước này phần lớn nhờ xuất khẩu phục hồi.
Thị trường lao động Nhật Bản vẫn khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực phi sản xuất. Theo các nhà phân tích, tăng lương được xem là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 28/2 công bố các số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 1/2017 đã giảm 0,8%, trái với dự báo của thị trường là tăng 0,4%. Con số này đặt ra cảnh báo đỏ mới nhất đối với Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh các số liệu công bố trước đó một tuần cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong gần nửa năm qua.
Ngoài ra, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) từng đặt mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2015 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giờ đây nhận định phải đến tháng 3/2019 mới đạt mục tiêu này, tức là chậm 4 năm so với kế hoạch./.