Nhật Bản duy trì phát triển quan hệ kinh tế với ASEAN và Việt Nam

Theo chuyên gia Atsusuke Kawada, Nhật Bản, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản duy trì và phát triển quan hệ kinh tế rất tốt với ASEAN nói chung và quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với Việt Nam nói riêng.
Nhật Bản duy trì phát triển quan hệ kinh tế với ASEAN và Việt Nam ảnh 1Ông Atsusuke Kawada, chuyên gia kinh tế trưởng của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO). (Nguồn: vir.com.vn)

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo duy trì và phát triển quan hệ kinh tế rất tốt với ASEAN nói chung và quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với Việt Nam nói riêng phát triển hết sức mạnh mẽ, với sự tăng trưởng vượt trội về giá trị trao đổi thương mại hai chiều, sự gia tăng của dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam và sự luân chuyển gia tăng của dòng người đi lại giữa hai nước.

Trên đây là nhận định của ông Atsusuke Kawada, nhà kinh tế trưởng kỳ cựu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Tokyo.

Theo ông Kawada, chính phủ mới ở Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại với Việt Nam giống như chính sách dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo.

Các công ty Nhật Bản đã quan tâm tới Việt Nam nhiều hơn, thể hiện qua số lượng công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã tăng đáng kể.

Nếu nhìn vào số lượng công ty thành viên của Phòng Thương mại Nhật Bản ở khu vực ASEAN, số lượng các công ty thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (VJBA) đã vượt xa số lượng công ty thành viên của Phòng Thương mại Nhật Bản ở Bangkok (Thái Lan), nơi từng có số lượng công ty thành viên lớn nhất (trong khu vực ASEAN).

Ngoài ra, dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe, hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng rất nổi bật, không chỉ trong việc phát triển hạ tầng cứng như Sân bay Quốc tế Nội Bài ở Hà Nội, đường cao tốc nối sân bay này với thủ đô Hà Nội hay cầu Nhật Tân - thường được biết tới là Cầu Hữu nghị Nhật-Việt, mà còn trong việc phát triển hạ tầng mềm như việc thành lập Đại học Việt-Nhật.

Về vai trò của Thủ tướng Abe trong việc thúc đẩy mối quan hệ trên, ông Kawada nhận định nhà lãnh đạo này đã đóng góp rất lớn trong việc tạo lập môi trường giúp các công ty Nhật Bản có thể dễ dàng tiến hành các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Theo ông, chính phủ mới tới đây ở Nhật Bản sẽ duy trì chính sách đối ngoại với Việt Nam giống như chính sách dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe.

[Thủ tướng Abe Shinzo và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Việt-Nhật]

Nguyên nhân là vì Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác là những đối tác rất quan trọng đối với Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Đối với ASEAN, thông qua các cuộc đối thoại thường niên, các hiệp định thương mại tự do và hiệp định đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và các nước ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vốn đang trong giai đoạn điều chỉnh cuối cùng, chuyên gia này cho rằng về tổng thể, quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và ASEAN sẽ tiếp tục được tăng cường và làm sâu sắc hơn.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ Nhật Bản-Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, ông Kawada nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh trao đổi nguồn nhân lực giữa hai nước, xây dựng quan hệ tương hỗ và hai bên cùng có lợi. Chuyên gia này cũng hy vọng số lượng các dự án đầu tư của các công ty Việt Nam ở Nhật Bản sẽ tăng.

Liên quan tới vấn đề nguồn nhân lực, các công ty ở Nhật Bản - quốc gia đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số - cần thêm các lao động chăm chỉ và tài giỏi của Việt Nam, trong khi người lao động Việt Nam có thể tiếp thu nhiều công nghệ và kiến thức trong quá trình làm việc tại Nhật Bản.

Trong khi đó, liên quan tới hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Nhật Bản, các công ty Việt Nam có thể sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ở Nhật Bản trên cơ sở tận dụng sự gia tăng của số lượng người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản.

Để thu hút các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty Nhật Bản, điều quan trọng đối với Việt Nam là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, để cải thiện cơ cấu công nghiệp, có vẻ như Việt Nam cần thu hút các công ty nước ngoài sử dụng nhiều công nghệ và tri thức đầu tư vào hoặc xung quanh các khu vực đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng và các công ty sử dụng nhiều lao động đầu tư vào khu vực nông thôn.

Để thực hiện mục tiêu đó, điều quan trọng là các tỉnh, thành của Việt Nam phải cạnh tranh với nhau để nâng cao sự hấp dẫn với tư cách là điểm đến đầu tư, và lựa chọn kỹ lưỡng các công ty tham gia vào thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục