Ngày 15/1, một quan chức Nhật Bản cho biết Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) dự chi 36,1 tỷ yen (tương đương 280 triệu USD) để khắc phục sai sót trong công tác lưu trữ tại bể chứa chất thải hạt nhân ở nhà máy Tokai, cơ sở tái chế năng lượng nguyên tử đầu tiên tại nước này.
Theo Kyodo, gần 800 container chứa chất thải có tính phóng xạ cao, hay rác thải TRU, đã được “thả” bằng cáp vào bể chứa này trong giai đoạn 1977-1991, trong số đó nhiều container bị đặt sai tư thế hoặc chịu va đập do kỹ thuật vận chuyển này. Hiện tại nhà máy Tokai, nằm tại tỉnh Ibaraki phía Đông Bắc Tokyo, đã không còn hoạt động.
Khối chất thải này bao gồm các ống kim loại chứa năng lượng hạt nhân đã được sử dụng, sản phẩm của quá trình tái chế và được cho là vẫn có khả năng tán xạ. JAEA kết luận rằng số rác thải này đáng lẽ phải được chôn ở độ sâu 300m dưới lòng đất.
[Nhật Bản sửa đổi quy định về thời gian hoạt động nhà máy điện hạt nhân]
Trong số ngân sách trên, 19,1 tỷ yen sẽ được sử dụng để xây một kho chứa mới cho các container này, trong khi 17 tỷ yen còn lại được dự kiến đầu tư cho việc chôn phủ bể chứa cũ trên và hệ thống cần trục đúng kỹ thuật để vận chuyển các container.
Tokai là nhà máy đầu tiên ở Nhật Bản tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng hạt nhân để thu hồi uranium và plutonium. Từ năm 1977 đến năm 2007, khoảng 1.140 tấn nhiên liệu đã được tái chế.
Việc tháo dỡ nhà máy này đã bị trì hoãn khoảng 10 năm so với kế hoạch ban đầu và dự kiến sẽ được thực hiện vào giữa những năm 2030. Thời gian thực hiện dự kiến mất khoảng 70 năm với chi phí 1.000 tỷ yen./.