Theo trang mạng scmp.com/asiatimes.com, sau khi tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm trong nhiều tháng, Thủ tướng Yoshihide Suga hôm 3/9 tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), đảng chính trong liên minh cầm quyền tại Nhật Bản, khi đảng này tiến hành cuộc bầu cử vào cuối tháng 9/2021.
Tin tức này đã khiến giới chính khách Nhật Bản bất ngờ, đồng thời để ngỏ cánh cửa cho cuộc đua người kế nhiệm. Những "gương mặt" tiềm năng cho chức thủ tướng đã lộ diện như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida; Cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi, người được coi là "môn đệ" của cựu Thủ tướng Shinzo Abe.
Thế nhưng, quyết định của ông Suga cũng đã làm nổi lên đồn đoán về khả năng ông Abe có ra tranh cử chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba hay không.
Thủ tướng Yoshihide Suga chỉ mới lên nắm quyền thay người tiền nhiệm Shinzo Abe vào tháng 9/2020. Ông Suga sẽ tiếp tục đảm nhiệm trọng trách của mình cho đến khi vị trí thay thế ông được lựa chọn trong cuộc bầu cử ngày 29/9/2021, thời điểm mà vị tân Chủ tịch LDP cũng sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản. Tuy nhiên, cho dù ai thay thế ông Suga cũng sẽ phải tham gia so tài trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm 2021 sau khi nhiệm kỳ của các thành viên ở Hạ viện sẽ kết thúc vào ngày 21/10.
Ông Suga "tự ngã hay bị đẩy ngã"?
Theo đánh giá của Asia Times, mặc dù xuất thân là "con nhà nông", song trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông Suga là "cánh tay phải" đắc lực của ông Abe. Thế nhưng, ông Suga lại không thuộc phe cánh nào trong LDP và phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Tổng thư ký LDP Toshiro Nikai và những nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng khác.
Một nguồn tin am hiểu chính trị Nhật Bản cho rằng ông Suga không tự đưa ra quyết định nói trên, ám chỉ rằng Phó Thủ tướng Taro Aso và những thành viên nội các khác đã ép ông Suga đưa ra quyết định này.
[Nhật Bản: Nóng cuộc đua giành ghế Chủ tịch LDP thay Thủ tướng Suga]
Ngoài ra, có những chỉ dấu khác để trả lời câu hỏi nói trên. Vẫn theo Asia Times, trước khi diễn ra cuộc họp thành viên cao cấp của LDP ngày 3/9, ông Suga đã có ý định cải tổ ban lãnh đạo LDP, thậm chí muốn chỉ định một tổng thư ký mới thay "bố già" Nikai. Báo chí Nhật Bản sáng 3/9 còn giật tít: "Ông Suga phát tín hiệu với tổng thư ký LDP rằng ông sẽ tái tranh cử."
Những tin tức này cụ thể về cuộc gặp giữa ông Suga và ông Nikai hôm 2/9 và đã tìm kiếm sự ủng hộ của ông Nikai về quyết định tái tranh cử chức chủ tịch LDP. Sau đó, bất ngờ ông Suga tuyên bố ý định từ chức tại cuộc họp khẩn các thành viên cấp cao LDP hôm 3/9.
Rõ ràng, ông Suga đã không tự tuyên bố quyết định của mình. Thay vào đó, chính ông Nikai - một "lão làng chính trị của LDP" - là người đã đưa tin tức này đến giới báo chí khi nói rằng: "Hôm nay, tại cuộc họp ban lãnh đạo, lãnh đạo LDP Suga nói ông ấy muốn tập trung nỗ lực vào những biện pháp đối phó với đại dịch và sẽ không chạy đua vào cuộc bầu cử lãnh đạo LDP tới đây."
Sau thông báo của ông Nikai, ông Suga mới đưa ra thông điệp ngắn gọn của mình trước báo giới bên ngoài văn phòng của mình khi nói rằng: "Trong năm qua kể từ khi trở thành Thủ tướng, tôi đã nỗ lực hết mình để xử lý nhiều vấn đề mà đất nước phải đối mặt, đặc biệt các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19. Tôi nhận ra rằng tôi không thể làm được cả hai việc. Tôi phải chọn một trong hai," ám chỉ việc lãnh đạo LDP đồng thời ứng phó với đại dịch trong tháng này sẽ ngốn nhiều năng lượng của ông hơn. Những diễn biến nói trên đã làm gia tăng nghi ngờ về quyết định từ chức của ông Suga.
Ông Abe sẽ trở lại "đường đua"?
Giáo sư chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo nhận định mọi người đều hiểu rằng ông Abe đang chuẩn bị trở lại. Vị giáo sư giải thích: "Đúng là thật khó tin và hoàn toàn chưa từng có tiền lệ, song đa phần hiểu rằng giờ đây ông ấy đã bình phục, ông Abe đang sẵn sàng cho một cuộc đua mới."
Giáo sư Nakano lưu ý đến một vài chỉ dấu rõ ràng như việc ông Abe đang gia tăng sự hiện diện của mình trên mạng xã hội.
Ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản trong đúng 1 năm, từ năm 2006-2007, sau đó trở lại chính trường vào năm 2012, trở thành thủ tướng lâu đời nhất ở Nhật Bản trước khi từ chức hồi tháng 9/2020.
Giáo sư Nakano thừa nhận rằng cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP diễn ra quá sớm đối với ông Abe và ông này trước đó chỉ từ chức vì vấn đề sức khỏe cũng như những "âm hưởng" về những vụ việc lùm xùm vẫn bủa vây ông Abe.
Thế nhưng, ông Abe là một nhân vật đặc biệt trong chính trường Nhật Bản, được coi là "con nhà nòi về chính trị" và chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng phái bảo thủ. Vì vậy, ông Abe vẫn là một đại diện tiêu chuẩn cho LDP.
Tương lai cuộc bầu cử LDP
Theo Asia Times, cuộc bầu cử LDP để tìm ra chủ tịch mới của đảng này sẽ là cuộc đua đầu tiên trong vòng 3 năm qua có sự tham gia đầy đủ của những thành viên đảng ở cả trong và ngoài quốc hội.
Nói cách khác, cuộc bầu cử này sẽ mang tính đại diện nhiều hơn so cách thức ông Suga lên nắm chức chủ tịch LDP hồi năm 2020, vốn phần lớn nhờ sự "đồng thuận nội bộ" sau "những cánh cửa khép kín."
Còn lần bầu cử sắp tới, tổng cộng sẽ có 766 phiếu bầu, trong đó 383 phiếu từ các nghị sỹ thuộc đảng LDP và 383 phiếu còn lại từ các đảng viên thông thường khác trên khắp Nhật Bản.
Điều này đồng nghĩa với một bầu cử mang tính chất đại diện rộng lớn hơn so với trường hợp ông Suga lên nắm quyền chủ tịch LDP. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ thay thế ông Suga, trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.
Nhiệm vụ đầu tiên của người chiến thắng sẽ là lãnh đạo và dẫn dắt LDP bước vào một cuộc tổng tuyển cử vốn có thể diễn ra muộn nhất vào ngày 28/11 song đa phần dự đoán sẽ diễn ra vào tháng 10/2021.
Mặc dù đa phần dự đoán LDP sẽ giành chiến thắng, song tình trạng không chắc chắn về chính trị trong vài tuần tới khó có thể làm gia tăng cơ hội chiến thắng cho LDP./.